Những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua là minh chứng hùng hồn về sức mạnh kỳ diệu của dân tộc ta. Sức mạnh ấy được kết tinh bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập tự cường và tinh thần chủ động sáng tạo của nhân dân ta. Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm, trong bối cảnh mới, tình hình mới, Đảng ta đang ngày càng phát triển lên một tầm cao mới, đưa nhân dân ta tiếp tục tiến bước mạnh mẽ và vững chắc trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Bản lĩnh chính trị - Nhân tố quyết định thành công
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Sự thành công của một đảng chính trị phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: Có nền tảng lý luận vững chắc của hệ tư tưởng giai cấp tiên tiến; có đường lối khoa học đúng đắn, hệ thống tổ chức chặt chẽ, vững chắc, có năng lực lãnh đạo... Tuy nhiên, một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của một đảng chính trị đó chính là bản lĩnh chính trị.
Với Đảng Cộng sản Việt Nam, bản lĩnh chính trị của Đảng được thể hiện trên nhiều phương diện: Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì thực hiện mục tiêu và chiến lược đã định trong mọi tình thế; chủ động sáng tạo hoạch định chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn; quyết tâm tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng; tập hợp đông đảo và tổ chức chặt chẽ, phát huy cao độ sức mạnh của các lực lượng cách mạng; đấu tranh trường kỳ, gian khổ và sáng tạo trước kẻ thù; nhận diện đúng và dũng cảm vượt lên những sai lầm, khuyết điểm...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện rõ nhất trong những hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn, hiểm nghèo, tưởng chừng khó có thể vượt qua. Đó là thời điểm ngay khi mới ra đời (1930), Đảng lập tức lãnh đạo nhân dân tiến hành cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thực dân Pháp và tay sai đã thẳng tay khủng bố phong trào cách mạng. Hàng vạn chiến sỹ cộng sản và quần chúng yêu nước đã bị bắt, tù đày và giết hại. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hương Cảng. Hệ thống tổ chức của Đảng bị phá vỡ nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó, đa số đảng viên của Đảng vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vẫn kiên cường bám trụ, hoạt động, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tiếp tục học tập, đấu tranh bảo vệ và tuyên truyền đường lối của Đảng. Một số đảng cộng sản khác trên thế giới trong hoàn cảnh tương tự đã không thể trụ vững và phục hồi, cho thấy sức sống, bản lĩnh của Đảng ta thời điểm đó.
Năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945), trong hoàn cảnh vừa giành được chính quyền, chưa có kinh nghiệm cầm quyền, vừa phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh với "giặc dốt", "giặc đói" và giặc ngoại xâm, bản lĩnh của Đảng đã thể hiện rõ trong việc lãnh đạo công cuộc kháng chiến và kiến quốc; từ đó không ngừng lớn mạnh về tổ chức và đội ngũ đảng viên; vững vàng lãnh đạo cách mạng toàn quốc. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc mùa Xuân năm 1975, Đảng ta một lần nữa đối mặt với những khó khăn chồng chất của đất nước sau chiến tranh.
Ngay sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, Việt Nam gánh chịu bao vây, cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch, lúc này Đảng ta đề ra nguyên tắc đảm bảo cho sự nghiệp đổi mới giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Với bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng những chủ trương kịp thời, chính xác, Đảng đã bình tĩnh, kiên quyết lãnh đạo nhân dân giữ vững ổn định chính trị, vượt qua những thử thách gay gắt của từng thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, đất nước ta đang nỗ lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, mở ra nhiều vận hội to lớn. Tuy nhiên, Đảng và nhân dân ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ, khó lường như: Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; sự phai nhạt bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có biểu hiện phát triển thiếu tính bền vững... Những yếu tố này đang từng ngày thử thách bản lĩnh chính trị của Đảng ta.
Đánh giá về bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ hiện nay, Nghị quyết số 26 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII của Đảng về: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" chỉ rõ: "Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo quản lý trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà nhận định: Bản lĩnh chính trị của Đảng được hợp thành từ bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Khi mỗi đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, luôn thực hiện nguyên tắc "tự phê bình và phê bình", có tinh thần vững vàng, niềm tin chắc chắn và sự kiên định thì như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:"Phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được".
Chủ động, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo thực tiễn
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, bất trắc..., khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biên giới, hải đảo, đặc biệt là tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, đe dọa tới hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong nước, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền"...
Cùng với đó, những khó khăn thách thức mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra vẫn tồn tại, đặc biệt là trong nội bộ Đảng. Đó là có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; ý thức tổ chức kỷ luật kém, tha hóa về lối sống, quan liêu, xa rời quần chúng. Một số tổ chức Đảng còn tình trạng mất dân chủ, mất đoàn kết, bè phái, cục bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang gây bất bình trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng.
Trước tình hình đó, Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên cho rằng, Đảng phải phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo thực tiễn nhằm tranh thủ thời cơ, hạn chế thách thức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đồng thời cần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm khơi dậy năng lượng nội sinh của dân tộc; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong mỗi bước đi và quá trình phát triển, đặc biệt coi trọng chính sách phát triển bao trùm để mọi người dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển theo hướng "Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên cũng cho rằng, để ngày càng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Đảng ta cần trung thành vô hạn với lợi ích dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân, luôn lấy phục vụ nhân dân làm lẽ sống, mục tiêu phấn đấu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của đất nước và thời đại, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.