Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4:

Xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch 

Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa diễn ra đã thu hút sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp nhận dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Dư luận quần chúng đánh giá cao khi tại hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn trong cả nhiệm kỳ 2021 – 2026, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. 

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Ông Bùi Như Ý, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, ông rất tâm đắc khi từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, liên tiếp trong 3 khóa và tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chọn nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bàn và quyết định những định hướng cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt tại hội nghị lần này, Trung ương đã tổ thức thảo luận để bổ sung những điểm mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã và đang được thực tiễn kiểm nghiệm và đặt ra yêu cầu mới, trong bối cảnh mới. 

Có thể khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Từ khi thành lập Đảng đến nay, trải qua các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng công tác xây dựng Đảng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vấn đề trọng đại của quốc gia, của dân tộc, của cách mạng. Điển hình như Đảng ta đã lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến. Ngày nay, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt. 

Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã được Đảng triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, không kể đó là ai, khi phát hiện vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng đều bị xử lý nghiêm khắc. Điều này tạo thêm niềm tin, sự hoan nghênh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị. 

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này Trung ương đã mở rộng phạm vi, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Điều này hoàn toàn chính xác và phù hợp quy luật. Bởi Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên là những nhân tố quan trọng gắn với sự phát triển của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị. Vì vậy tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị được hiệu quả hơn. 

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên – Huế Bùi Như Ý cho rằng Quy định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm đến nay cơ bản vẫn còn nguyên giá trị nhưng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, bổ sung, sửa đổi quy định những điều đảng viên không được làm cần theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để đảng viên dễ thực hiện, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. 

Thời gian tới, để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đảng, đảng viên cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác. Mỗi đảng viên cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện để nâng cao trình độ và lập trường chính trị; sống gần gũi với nhân dân, làm việc vì dân. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... 

Đẩy mạnh thực hiện "mục tiêu kép” 

Ông Nguyễn Đức Thuận, cán bộ hưu trí (phường Phước Vĩnh, thành phố Huế), cho biết, để hoàn thành "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế thì cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung tay hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. 

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến nay, với biến chủng mới Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân và tâm lý, tâm trạng xã hội. Đặc biệt, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch. Trong hoàn cảnh đó, một lần nữa tinh thần đoàn kết của dân tộc ta lại phát huy, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều y, bác sỹ, lực lượng công an, quân đội… tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe và sinh mệnh cho nhân dân.  

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2021, Trung ương cần tăng cường các giải pháp kiểm soát được dịch bệnh; tăng cường độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân; sớm xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19"; giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Đồng thời, có giải pháp bảo vệ; gỡ khó cho các doanh nghiệp; có chính sách quản lý, hỗ trợ và quan tâm tạo việc làm cho hàng vạn công nhân trở về quê; kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Tường Vi (TTXVN)
Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng
Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề cập đến những vấn đề rất cấp thiết và quan trọng đối với đất nước trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN