Xây dựng chính quyền đô thị - Bài 1: Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng với một bước tiến dài hơn, đó là bỏ qua giai đoạn thí điểm, thực hiện luôn việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

Tại Kỳ họp thứ 8 và 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cả hai Nghị quyết trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đây là hai địa phương đầu tiên của cả nước được Quốc hội quyết nghị thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Trong xu thế đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng với một bước tiến dài hơn, đó là bỏ qua giai đoạn thí điểm, thực hiện luôn việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố. Đề án của Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 này. 

Chú thích ảnh
Tuyến đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Bài 1: Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ rõ “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định”. Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng đã xác định "Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt".

Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm hoạt động của đô thị. Mục tiêu này nhằm kết hợp giữa quản lý theo ngành, theo lĩnh vực, với quản lý theo lãnh thổ và đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng sự hài lòng của người dân và lãnh đạo phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, hiện nay, chúng ta chưa có sự phân biệt về chính quyền địa phương tổ chức ở nông thôn với đô thị và hải đảo. Mỗi đơn vị hành chính thường được tổ chức thành một cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. Việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền đô thị nhằm phù hợp với đặc điểm của đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ dân số cao, nhiều thành phần, sống đan xen, có lối sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tham gia các hoạt động kinh tế xã hội đa dạng. Quản lý dân cư ở đô thị phức tạp hơn ở nông thôn rất nhiều. Nếu tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn là như nhau sẽ không phù hợp.

Dẫn chứng làm rõ hơn, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, về kinh tế - xã hội, ở đô thị chủ yếu là phi nông nghiệp, đa ngành, đa lĩnh vực, tốc độ phát triển cao, cơ sở hạ tầng thống nhất, liên thông, phức tạp, khác với nông thôn. Việc phân chia địa giới hành chính ở các đô thị là để phục vụ cho quản lý hành chính, không phải để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Quận, phường được tổ chức cơ quan hành chính nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt trong cả địa bàn lãnh thổ là thành phố. Do đó, việc tổ chức chính quyền đô thị Hà Nội hoặc Đà Nẵng theo các mô hình này rất phù hợp.

Điểm khác biệt căn bản nhất của mô hình chính quyền đô thị so với mô hình hiện nay là bên cạnh việc tổ chức chính quyền địa phương thành một cấp chính quyền gồm HĐND, UBND, ở một số đơn vị hành chính như quận, phường không tổ chức cấp chính quyền mà là một cơ quan hành chính nhà nước (không có HĐND), hoạt động theo chế độ thủ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ do UBND quận hoặc UBND thành phố giao cho.

Chẳng hạn như Đà Nẵng chỉ có một cấp chính quyền ở thành phố. Còn Hà Nội, chính quyền đô thị có hai cấp chính quyền, ở thành phố và quận, với đầy đủ HĐND -UBND. Trong Đề án của mình, Thành phố Hồ Chí Minh chọn theo hướng của Đà Nẵng, chỉ tổ chức một cấp chính quyền tại thành phố. Ngay cả đề án thành phố Thủ Đức – đơn vị hành chính tương đương với cấp quận của Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có một cấp chính quyền là chính quyền thành phố Thủ Đức. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đúng người, đúng việc

Khi tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của đô thị theo các đề án đã được Quốc hội thông qua và sẽ thông qua, vấn đề quan trọng cần phải thực hiện, đó là sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu bố trí, sắp xếp không đúng người, đúng việc, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức tại phường, quận sẽ không đạt được như mong muốn. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, cần phải xem xét, rà soát, sàng lọc lại để lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của mô hình chính quyền tổ chức tại đô thị phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước tổ chức tại phường, quận.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp dôi dư, cũng phải nghiên cứu, xem xét để bố trí cho phù hợp hoặc giải quyết theo các chính sách của Chính phủ đã ban hành liên quan đến tinh giản biên chế, giải quyết cho thôi việc, hoặc cho đi đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung trình độ, năng lực, sau đó nghiên cứu bố trí lại.

“Bố trí người làm việc là phải lựa chọn người có đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ trong bộ máy mới. Đồng thời, phải xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho những người không đáp ứng được yêu cầu”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định.

Để các cơ quan hành chính nhà nước ở phường và quận hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Đặc biệt là vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát, phân công và quản lý việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức làm việc tại UBND phường hoặc UBND quận khi chỉ là những cơ quan hành chính nhà nước.

Bài 2: 'Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế' để tránh lạm quyền

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Xây dựng chính quyền đô thị - Bài cuối: Bảo đảm sự phát triển bền vững
Xây dựng chính quyền đô thị - Bài cuối: Bảo đảm sự phát triển bền vững

Khác với hai địa phương là Hà Nội và Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thực hiện ngay việc tổ chức chính quyền đô thị, áp dụng trực tiếp, lâu dài, bỏ qua giai đoạn thí điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN