Xác định kinh phí để tinh giản

Góp ý về dự thảo Nghị định tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đó là chủ trương đúng để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa; đặc biệt, làm rõ về kinh phí chi cho các đối tượng tinh giản để đảm bảo tính khả thi của nghị định này.

 

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Xác định “cái giá” là 8.000 tỷ đồng hay bao nhiêu?


Sự ra đời của dự thảo Nghị định này là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi xuất phát từ nội tại bộ máy nhà nước. Việc triển khai thực hiện cần sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị.

 


Dự thảo Nghị định đưa ra con số tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức chỉ là con số dự báo bước đầu của ban soạn thảo. Để con số dự báo này có tính khoa học và thực tiễn cao, cơ quan chức năng cần đánh giá được chính xác bao nhiêu phần trăm cán bộ, công chức hiện nay không có đủ năng lực, không làm được việc, làm việc không đúng ngành, nghề được đào tạo...


Bên cạnh đó, dự thảo cần bám sát các yêu cầu, mục tiêu của việc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách hành chính để xây dựng một dự báo chính xác, khả thi về mục tiêu tinh giản biên chế... Về mặt nhận thức cũng phải thấy rằng, tinh giản biên chế là một quy luật trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Việc đầu tiên cần phải làm là tổ chức một cuộc rà soát tổng thể, đánh giá lại chất lượng, năng lực của tất cả các cán bộ, công chức đang làm việc. Việc rà soát, đánh giá này phải được thực hiện từ các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, tổ, nhóm.

Tuy nhiên, phải có tiêu chí đánh giá cụ thể và phải dựa trên tổng khối lượng công việc đang làm, nhu cầu tuyển dụng của mỗi cơ quan, đơn vị trong tương lai gắn với cơ cấu ngành, nghề, vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, giới tính, độ tuổi...; từ đó mới có thể dự báo, đưa ra con số cụ thể. Đây phải là khâu đầu tiên, làm cơ sở để xây dựng chính sách.


Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét, tính toán tuyển một số lượng người để thay thế vào vị trí của những người phải đưa ra khỏi vị trí công tác do không được đào tạo đúng chuyên môn. Bởi thực tế, có những vị trí đòi hỏi người có chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng được yêu cầu.


Hơn nữa, dự thảo Nghị định cần làm rõ số kinh phí lên tới 8.000 tỷ đồng để thực hiện tinh giản biên chế cân đối từ nguồn nào? Cần phải làm rõ vấn đề này. Nếu đưa ra chính sách mà không có nguồn ngân sách thì không thể thực hiện được vì đây là yếu tố vật chất cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện đề án và là nguồn lực, tạo cơ hội cho công chức ra khỏi bộ máy nhà nước có điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp, đảm bảo cuộc sống trong thời gian đầu.

Vấn đề ở đây là cần tính toán chi tiết, định lượng, kỹ lưỡng bằng những tiêu chí và căn cứ khoa học, hợp lý để xác định “cái giá” cho cuộc "đại phẫu" này là 8.000 tỷ đồng hay là bao nhiêu? Cái khó hiện nay là việc đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, khi không có tiêu chí cụ thể mà phụ thuộc rất nhiều vào người nhận xét, đặc biệt là người đứng đầu. Bởi vậy, việc thực hiện Đề án cần phải có sự lãnh đạo thống nhất, quyết tâm chính trị cao của Đảng, sự công minh, khách quan của người đứng đầu, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị.

 

Bà Lê Thị Phương Đông, Phó GĐ Trung tâm Ngoại ngữ Tin học, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (Hà Nội):

Trợ cấp thỏa đáng cho mọi đối tượng tinh giản

 


Theo dự thảo Nghị định tinh giản biên chế, chính sách trợ cấp cho các đối tượng tinh giản được quy định khá chi tiết, rõ ràng. Nhiều đối tượng tinh giản ngoài việc được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật còn không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ việc trước tuổi. Dự thảo quy định như vậy sẽ giúp cho người trong diện về hưu trước tuổi yên tâm hơn do có chế độ lương hưu đảm bảo.


Tuy nhiên, theo tôi, mức trợ cấp cho các đối tượng sắp đến tuổi nghỉ hưu và các đối tượng khác trong diện tinh giảm còn chưa tính đến yếu tố rủi ro trong việc tìm việc cho các đối tượng còn trong độ tuổi lao động. Theo dự thảo, những người thuộc diện tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước được trợ cấp 3 tháng tiền lương và ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng, mức trợ cấp như vậy là quá ít. Do thu nhập của người lao động trong môi trường mới (sau khi tinh giản) có khi không ổn định nên cuộc sống của họ và gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, theo tôi, dự thảo Nghị định cần tăng mức trợ cấp cho các đối tượng này lên từ 5 - 7 tháng lương.


Quỳnh Hoa - Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN