'Vướng cái gì tháo gỡ ngay cái đó, không hô hào chung chung'

Ngày 2/3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2015, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015.

Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, đúng hướng

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015, các thành viên Chính phủ đều đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giá, chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước đó. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tốt về tăng tổng cầu. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; công tác cung ứng nguồn nước tưới tiêu được bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất - nhập khẩu tháng 2 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết khá dài nhưng tính chung hai tháng đầu năm vẫn đạt khá.

Toàn cảnh phiên họp ngày 2/4. Ảnh: Đức Tám-TTXVN


Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định. Vốn ODA và FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ; tình hình thu hút FDI tiếp tục đạt được những tín hiệu tích cực, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực bước đầu. Khu vực dịch vụ phát triển khá, hoạt động du lịch, du Xuân diễn ra sôi nổi; công tác tổ chức lễ hội được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 02 tăng so với tháng trước.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được chú trọng tăng cường… bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân đầm ấm, an toàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, trong đầu tháng 2, các đợt rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa tại các tỉnh phía Bắc. Tình hình tai nạn giao thông, mặc dù đã có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm trong và sau Tết vẫn còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn…

Khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhận định thời gian qua hoạt động này đã có nhiều nỗ lực, song các thành viên Chính phủ cho rằng so với yêu cầu đặt ra, nhất là hiện nay trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân… việc tiếp tục quan tâm thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn là một yêu cầu cấp bách đặt ra; các Bộ, ngành, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là trong tập trung thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; các giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; việc mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông-thủy sản; các giải pháp nhằm tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh


Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2015, các cấp, các ngành, địa phương đã hết sức nghiêm túc chấp hành, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội để có các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2015. Qua 2 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tốt hơn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, đầu tư tốt hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo, việc làm có nhiều chuyển biến; đặc biệt đã tổ chức Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cho nhân dân cơ bản đạt được mục tiêu đề ra là nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra một số vấn đề nổi lên cần phải phân tích làm rõ bản chất tại sao kinh tế tăng trưởng trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; xuất hiện tình trạng người dân trong dịp Tết vì các nguyên nhân khác nhau bất chấp luật pháp để rồi “tự xử nhau”…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý đến vấn đề về lễ hội: “Vấn đề lễ hội chắc Việt Nam là nước nhiều nhất, lễ hội nhiều quá, 7.000 - 8.000 lễ hội. Lễ hội đâm trâu, chém lợn, mua thần, bán thánh, mê tín dị đoan, đồng bóng; rồi giành lộc đánh nhau… vấn đề đây có lẽ cả ở nhiều khía cạnh, cả khía cạnh văn hóa, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, cần phải phân tích rõ, cái gì tốt thì khen ngợi, những lễ hội thuộc về hủ tục, không tốt cần lên án, phê phán. Qua lễ hội, cần tổng kết, lễ hội nào nên giữ, nên phát huy; lễ hội nào là hủ lậu, lịch sử vượt qua rồi, thực tiễn vượt qua rồi phải thôi đi”- Thủ tướng chỉ đạo.

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tinh thần chung là các Bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực cao nhất để đạt và vượt kế hoạch đã đề ra cho năm 2015-một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh bởi đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Đảm bảo cung ứng đủ lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp.

“Việc tháo gỡ khó khăn phải làm nhiều việc đồng bộ, nhưng trước mắt cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cải cách thủ tục hành chính. Môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh,… vướng mắc cái gì phải tập trung tháo gỡ ngay cái đó để tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; không phải là hô hào, kêu gọi chung chung”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Từ nhiệm vụ trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các thành viên Chính phủ trong năm nay phải tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ mục tiêu của Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, các Bộ, ngành phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể cải cách để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian làm các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng,…đi cùng với đó là phải kiểm tra giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; giữ ổn định về tỷ giá, lãi suất; theo dõi để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo kiên quyết đấu tranh, tăng cường các biện pháp phòng chống hàng lậu, hàng giả gắn với đó phải quan tâm đến nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa trong nước, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm trong những tháng mùa khô này; phải huy động các nguồn lực cho đầu tư, gồm huy động nguồn vốn từ trong nước, từ đất đai, từ nguồn vốn ngoài nước...

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong kinh tế thị trường đầy đủ. Đồng thời quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu ngân hàng, những ngân hàng hoạt động yếu kém phải sắp xếp lại, cơ cấu lại gắn với xử lý hiệu quả vấn đề về nợ xấu, không sử dụng ngân sách trong xử lý nợ xấu; đảm bảo cuối năm 2015, nợ xấu giảm xuống dưới 3%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung mạnh vào thực hiện đột phát về thể chế, trước hết đặc biệt quan tâm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường và đã thị trường thì phải công khai, minh bạch, bình đẳng. Bên cạnh đó, định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, đảm bảo cho phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Với tinh thần chung như vậy, giá xăng dầu, điện, than phải theo thị trường nhưng phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Y tế, giáo dục cũng phải như vậy, cũng phải tính đúng, tính đủ và người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm lo, phải bảo đảm được công bằng xã hội, đây không phải là bao cấp mà là chính sách xã hội.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục tập trung tuyên truyền, chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại trong các lễ hội, trong những hoạt động văn hóa. Chăm lo tốt hơn nữa sức khỏe cho nhân dân; nhân rộng các mô hình y học công nghệ cao, kỹ thuật cao; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng quá tải bệnh viện cũng như thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân. Không ngừng củng cố tiềm lực an ninh, quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ghi nhận và đánh giá cao hoạt động thông tin, truyên truyền trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cơ quan truyền thông thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát xã hội, phản biện xã hội xung quanh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát hiện những việc làm đúng, những việc làm tích cực cũng như những việc làm chưa tốt, những việc làm còn chậm, còn không hiệu quả.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về một số dự án Luật: Phí, lệ phí; Khí tượng thủy văn.


Thiện Thuật (TTXVN)
Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu xây dựng Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, phê chuẩn bầu bổ sung Phó Chủ tịch tỉnh Long An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN