Vững vàng trước thách thức, ASEAN nắm chắc thời cơ mới

Năm 2020 được coi là một năm thử thách với nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nền kinh tế khu vực ASEAN khi đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát. Cùng với đó là nhiều biến động khó lường đối với chính trị an ninh, kinh tế - xã hội ở nhiều khu vực.

Trong bối cảnh đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đứng trước những khó khăn thử thách vô cùng lớn. Làm sao để vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp, vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế trong khu vực.

Bằng quyết tâm cùng sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của các nước thành viên ASEAN, nỗ lực của nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã có nhiều điểm sáng trong quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế khu vực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người về từ Đà Nẵng, tại phường Bách Khoa và phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) sáng 01/8/2020. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thiệt hại nặng nề

Tại Hội nghị ASEAN BIS 2020 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, ông Anger Gurria, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, thế giới đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất từ sau thế chiến thứ hai. OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 4,5% trong năm 2020.  Với nền kinh tế ASEAN, OECD dự báo GDP khu vực này sẽ suy giảm 4,23%.

Tổng Thư ký OECD cho biết thêm, tổ chức này đang phối hợp chặt chẽ với ASEAN nhằm tìm hướng giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng thông qua các cuộc hội thảo, các cuộc làm việc trực tuyến về logistics, chuỗi cung ứng…; đồng thời, thực hiện các dự án chủ chốt và cơ sở hạ tầng bền vững, đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực để tăng cường hội nhập khu vực Nam Á. OECD đã có 160 công trình tóm tắt chính sách để giúp cho các nhà hoạch định chính sách ASEAN và trên toàn cầu để xử lý những thách thức vừa là phức tạp vừa liên quan đến nhau trong đại dịch này.

Còn theo số liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW), sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến GDP toàn cầu suy giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020 - mức thiệt hại gấp ít nhất ba lần quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. Trong cả năm 2020, dự báo GDP toàn cầu ghi nhận mức giảm khoảng 4,4%. Dẫu vậy, đà phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2020 cũng sẽ là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng lên mức 5,8% vào năm 2021.

Bản báo cáo cũng cho thấy: Với khu vực ASEAN, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra cú sốc nặng nề nhất lên tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tổng quan cả khu vực, báo cáo dự báo tăng trưởng của ASEAN sẽ suy giảm 4,2% trong năm 2020, trước khi các hoạt động kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại và tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,4% vào năm 2021.

Tiến sĩ Aladdin D. Rillo - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho biết, trong nửa đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng GDP ở một số nền kinh tế ASEAN bị giảm mạnh, có nơi tăng trưởng âm. Để khắc phục, ASEAN đã và đang nỗ lực từng ngày và dần dần từng bước khôi khục kinh tế, giảm thiểu tác động của COVID-19.

Thời cơ mới, vận hội mới

Khi đánh giá về những thách thức và cơ hội của ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nhà chính trị, chuyên gia kinh tế khẳng định: COVID-19 hiện vẫn là thách thức lớn nhất hiện nay đối với ASEAN và toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ hội để vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển vẫn nhìn thấy được ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số, đổi mới sáng tạo…

Báo cáo “Thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Nền kinh tế số và Dòng chảy tự do của dữ liệu” nêu rõ: “Những lợi ích đến từ số hóa là vô giá và để điều đó được diễn ra, một nền kinh tế kỹ thuật số cần trở thành trọng tâm chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN”.

Kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại. Kinh tế số khu vực ASEAN dự kiến đạt 240 tỷ USD năm vào năm 2025. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021. Rõ ràng là nền kinh tế số đang ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại điện tử đang là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trước đây, khi chưa có thương mại điện tử thì hoạt động xuất nhập khẩu là lãnh địa của các doanh nghiệp lớn. Do chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có điều kiện hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Trước đó, các doanh nghiệp lớn đã thống lĩnh trong nền thương mại toàn cầu. Chỉ từ khi xuất hiện Internet và thương mại điện tử, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có cơ hội kinh doanh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành các chủ nhân bình đẳng trong nền doanh nghiệp toàn cầu.

Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Hoglund đánh giá, công nghệ hiện đại, giáo dục được cải thiện, đổi mới sáng tạo với các giải pháp số được sử dụng nhiều hơn sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng ASEAN và hơn thế nữa. Đây sẽ là những giải pháp giúp ASEAN vượt qua trở ngại, tạo thêm việc làm cho mọi người dân, giúp khu vực phát triển trở lại. Cũng theo Đại sứ Morten Hoglund, để thúc đẩy quá trình số hóa, điều quan trọng là phải thu hẹp khoảng cách số hiện tại trong khối ASEAN và ở những khu vực khác trên thế giới. Khoảng cách giữa những người có kết nối và không được kết nối sẽ là điều ASEAN cần phải vượt qua.

Bên cạnh các mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực kinh tế số, một kỳ vọng nữa được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là tiềm năng đó là các hiệp định thương mại tự do. Mới đây nhất là việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP là một trong 13 mục tiêu ưu tiên của năm ASEAN 2020, được tất cả các nước quan tâm và tập trung nguồn lực cao nhất để kết thúc đàm phán và đi đến ký kết.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN-Việt Nam, RCEP sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự hồi phục và phát triển kinh tế của các nước ASEAN hậu COVID-19. Khi đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với GDP hơn 28.500 tỷ USD, chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác. Việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam nói riêng, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei đã thực hiện khảo sát với một số nhà kinh tế và phân tích. Đa số họ đều dự kiến 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN gồm: Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020.

Riêng với Việt Nam, tháng 10/2020 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020, trong đó nhận định GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Cũng theo bản cập nhật trên, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Cũng theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (2%).

Nhiều chuyên gia tài chính cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm nay. Chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Morgan Stanley thậm chí cho rằng, Việt Nam có thể trở thành "kỳ tích châu Á" tiếp theo. Ông Ruchir Sharma nhận xét: Việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Những đánh giá tích cực đó không phải ngẫu nhiên Việt Nam có được mà là một hành trình dài với những chính sách, chiến lược đúng đắn kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, “mục tiêu kép": Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất được Chính phủ Việt Nam đưa ra ngay sau khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, đã thu được kết quả tích cực.

 Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Đặc biệt, xuất siêu đạt kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD; trong đó có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng của năm 2020 đã có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới.

Chú thích ảnh
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Seavina (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Trong vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng đã nhanh chóng đưa ra một loạt sáng kiến, đề xuất hợp tác ứng phó dịch COVID-19, các kế hoạch phục hồi sau đại dịch nhằm cùng các nước ASEAN vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, hướng tới vận hội mới.

Khung Phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể đã được công bố trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Theo đó, Khung phục hồi tập trung vào 3 giai đoạn chính, gồm tái mở cửa, phục hồi và tự cường.

Cụ thể là các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. ASEAN sớm hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh COVID-19. Trước mắt, ASEAN có thể xem xét mở lại lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu.

Khẳng định tại Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 cho biết: "Chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau Hội nghị này.

Góp phần tái định hình thế giới sau COVID-19, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế-chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra".

ASEAN, với những thách thức không lường trước, vẫn ngày càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu:"Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN".

Thu Phương (TTXVN)
Thái Lan nhấn mạnh hợp tác hậu COVID-19 trong quan hệ của ASEAN với Australia và New Zealand
Thái Lan nhấn mạnh hợp tác hậu COVID-19 trong quan hệ của ASEAN với Australia và New Zealand

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 14/11 đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2 và Hội nghị Cấp cao ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong khuôn khổ chuỗi các hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN