Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea về quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước trong thời gian qua và triển vọng hợp tác thời gian tới, nhất là những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế, cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết đánh giá của ông về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia trong gần 6 thập kỷ qua?
Lịch sử hai đất nước chúng ta đã có mối quan hệ ràng buộc từ những năm 1950. Dưới thời thực dân Pháp, những nhà yêu nước ở Campuchia và Việt Nam đã suy nghĩ, tiến hành các hoạt động giành độc lập cho đất nước. Theo tôi, từ thời điểm đó, chúng ta bắt đầu có mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo. Một số nhà lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia đã sang Việt Nam để tiến hành một số phần việc theo yêu cầu của thời kỳ đó. Vì vậy, quan hệ Campuchia - Việt Nam là câu chuyện về mối quan hệ lâu dài.
Thông thường, mọi quốc gia đều luôn nỗ lực để có mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng. Chính vì vậy, tôi rất vui mừng khi được chia sẻ về mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” của hai đất nước Campuchia và Việt Nam, nhất là cụm từ “bền vững lâu dài”. Điều này hết sức quan trọng. Gọi là “bền vững lâu dài”, nghĩa là hai nước cùng nắm tay nhau đồng hành dài lâu trong tương lai.
Nhìn lại mối quan hệ đặc biệt 60 năm qua, có thể thấy hợp tác của chúng ta đúng là ngày càng thân thiết, chặt chẽ hơn, và còn hướng về tương lai dài lâu hơn nữa. Trong hành trình đã qua, người dân Campuchia và Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ chiến tranh. Năm 1979 là dấu mốc lịch sử khi Việt Nam hỗ trợ Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. Trong lịch sử, chúng ta đã giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Từ góc nhìn của những người láng giềng kề cận, Campuchia và Việt Nam đã cùng suy nghĩ, làm thế nào để mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn nữa, bền vững lâu dài hơn nữa trong tương lai.
Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế trở thành một điểm sáng nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Campuchia với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông, đâu là những lĩnh vực mà hai nước cần tập trung để hợp tác kinh tế đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi nước?
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 10 tỷ USD trong năm 2022, tăng từ mức hơn 5 tỷ USD của năm 2020. Chỉ trong vòng hai năm đã tăng gấp đôi, một thành hai, đó là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tuyệt vời. Đặc biệt, năm 2020 có đại dịch COVID-19, có lúc phải giãn cách, phong tỏa... nhưng hoạt động giao thương qua lại giữa hai nước vẫn diễn ra mạnh mẽ như vậy cho thấy yếu tố lợi ích và tính bổ sung cho nhau trong hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế.
Về những lĩnh vực cần tập trung quan tâm, tôi cho rằng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch chỉ có thể phát triển khi nào chúng ta đảm bảo hạ tầng cứng và mềm. Nếu chúng ta không có các chuyến bay, như đã xảy ra trong thời COVID-19, không có khách du lịch, mọi thứ dừng lại. Chính vì vậy, chúng ta cần nỗ lực làm thế nào để hoạt động kết nối giữa hai đất nước, cũng như hai nền kinh tế tốt hơn nữa.
Riêng về kết nối đường bộ, phía Campuchia đã ký thỏa thuận với một doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng tuyến đường cao tốc từ Phnom Penh đi Bavet. Chúng tôi muốn kết nối với tuyến đường phía Việt Nam tại Mộc Bài. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng khi nền kinh tế hai bên được kết nối ở Bavet-Mộc Bài, hoạt động thương mại cũng như đầu tư giữa hai nước sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa bởi yếu tố kết nối cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, như đã nói, bên cạnh việc kết nối cầu, đường và các chuyến bay, cần phải có hạ tầng mềm. Đó là Hiệp định thương mại biên giới, quy trình thủ tục kiểm soát hải quan, phương thức quản lý phương tiện vận chuyển... Lực lượng chức năng hai nước cần phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Dù đường sá thuận lợi nhưng khi đến biên giới phải dừng xe chờ mất 5 tiếng thì sẽ là là không hiệu quả.
Năm 2018, tôi đã từng đề cập đến những lĩnh vực cần tập trung trong quan hệ hai nước, tại diễn đàn doanh nghiệp ở Hà Nội, lúc đó có sự hiện diện của Thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Việt Nam. Tại diễn đàn đó, tôi đã khẳng định rằng nền kinh tế Campuchia và Việt Nam không phải là hai nền kinh tế cạnh trạnh, mà ngược lại, thuần túy là hai nền kinh tế bổ khuyết, bổ sung cho nhau.
Giờ đây, các nhà kinh tế sử dụng khái niệm “ + 1”, như “Việt Nam +1”, “Thái Lan +1”... Trước đây, khi còn công tác bên Hội đồng Phát triển Campuchia, chúng tôi đã nghĩ về điều này và hiểu rằng dòng chảy này, xu thế này sẽ đến vào một thời điểm nào đó. Vì chúng ta có nguồn tài nguyên khác nhau, nguồn nhân lực cũng khác nhau, chúng ta có thể chia sẻ công việc.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hiện nay, tôi vui mừng khi thấy một số công ty dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ chào đón, nhận làm một số việc, trong khi một số việc khác có thể xúc tiến chuyển sang Campuchia để bổ khuyết cho nhau.
Có nhiều hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực yêu cầu hoạt động sản xuất, lắp ráp được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau. Chính vì vậy, tôi rất có niềm tin vào mô hình “Việt Nam +1”. Và để điều đó diễn ra, chúng ta nhất thiết phải có hạ tầng cứng và mềm.
Tại cuộc gặp ăn sáng theo thông lệ truyền thống giữa các nhà lãnh đạo Campuchia, Việt Nam và Lào nhân hội nghị cấp cao ASEAN ở Jakarta (Indonesia) mới đây, Samdech Thipadei cũng đề cập đến câu chuyện trên, cho rằng các nước chúng ta có thể bổ khuyết cho nhau trong nhiều lĩnh vực và cần nỗ lực hơn nữa, cả trong lĩnh vực công nghiệp cũng như nông nghiệp. Tại cuộc gặp đó, Samdech Thipadei đề cập đến lĩnh vực du lịch, rằng Việt Nam phát triển trước, có đường bay trực tiếp từ nước ngoài. Do đó, Campuchia có thể phối hợp với Việt Nam, tiếp nhận du khách đến Việt Nam tới du lịch Campuchia. Campuchia không có danh thắng Hạ Long như Việt Nam nhưng cũng có kì quan Angkor Wat, Biển Hồ Tonle Sap...
Tôi cho rằng riêng lĩnh vực công nghiệp theo công thức “Việt Nam +1” có rất nhiều tiềm năng. Trong lĩnh vực điện tử hay công nghệ hiện đại, Việt Nam đang đi trước, nhưng trong một số lĩnh vực công nghiệp khác, chúng ta hoàn toàn có thể bổ khuyết cho nhau như nông nghiệp, cụ thể là hoạt động sản xuất và chế biến hạt điều.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet sắp có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Hun Manet có ý nghĩa như thế nào và mở ra triển vọng gì cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới, phù hợp với phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài"?
Chuyến công du vào ngày 11 tới đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Samdech Thipadei Hun Manet đến một quốc gia thành viên ASEAN. Đó là ý nghĩa thứ nhất của chuyến thăm.
Thứ hai, không phải quốc gia bạn bè nào cũng có hoạt động trao đổi đoàn, các cuộc gặp, chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao như giữa Campuchia và Việt Nam. Samdech Thipadei nhậm chức Thủ tướng ngày 22/8, đến nay vừa hơn 100 ngày. Trong quãng thời gian ngắn đó, Samdech Thipadei đã có 4 cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, đều ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Samdech Thipadei cũng đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Mới đây nhất, Samdech Moha Rathsapheathika Thipadei Khuon Sudary, Chủ tịch Quốc hội Campuchia cũng vừa đến Hà Nội, thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Samdech Thipadei Hun Manet là chuyến thăm đầu tiên đến một quốc gia thành viên ASEAN và ở mức cấp cao trong hoạt động trao đổi chuyến thăm giữa Campuchia và Việt Nam.
Trong năm 2022 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã sang thăm Campuchia.
Các chuyến thăm giữa hai bên là hoạt động hết sức quan trọng. Các cuộc gặp, trao đổi đó thể hiện sự quý mến. Cùng với đó, hai bên còn chia sẻ quan điểm. Trong khuôn khổ quan hệ hữu nghị giữa hai nước, chúng ta có hợp tác song phương đồng thời cũng có hợp tác trong các khuôn khổ đa phương. Hai nước cùng dự Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong, khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương, Hội nghị ASEAN... Qua các diễn đàn này, hai nước đã cùng trao đổi về quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, kinh tế, ngoại giao, an ninh, y tế, vận tải... Trong tình huống phát sinh xung đột ở một số khu vực trên thế giới, tác động đến tình hình kinh tế hai nước, chúng ta phải lưu tâm, có biện pháp ứng phó kịp thời thông qua việc chia sẻ nhận thức, trao đổi quan điểm trong khuôn khổ song phương. Hoặc trong các cuộc gặp song phương, hai nước cũng thảo luận, trao đổi về những vấn đề liên quan trong khu vực và trên thế giới, tiêu biểu như câu chuyện cung ứng lương thực và vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay.
Tôi cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của Samdech Thipadei Hun Manet sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống. Như đã nói ở trên, nội dung “bền vững lâu dài”, vế sau trong phương châm quan hệ giữa hai nước chúng ta chỉ mới 60 năm. Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xây dựng để mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho nhân dân hai nước.
Có thể ví chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Samdech Thipadei Hun Manet như công việc trồng cây, chăm hoa, yêu cầu chúng ta cần phải thường xuyên chăm bón, tưới tắm. Tình hữu nghị giữa Campuchia và Việt Nam cần được chăm chút, giữ gìn vì hai nước đều nhận thức rõ những ưu điểm, lợi ích của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ, hai đảng và nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!