Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An; cùng các đồng đội, thân nhân gia đình các liệt sĩ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Vinh gồm: Thượng tá Lê Tất Thắng (sinh năm 1978, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (sinh năm 1991, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn) - Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Đại úy Đinh Văn Trung (sinh năm 1984, phường Bến Thủy, thành phố Vinh) - Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4. Riêng Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1979, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) - Phó trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu 4 được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc.
Với tấm lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm trân trọng đối với các liệt sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, các đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân Khu 4, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các đơn vị vũ trang và thân nhân các liệt sĩ đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh các liệt sĩ đã khuất.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động với nền nhạc trầm buồn “Hồn tử sĩ”, mọi người gạt nước mắt, tiễn biệt những người lính đã hy sinh giữa thời bình vì nhiệm vụ cứu hộ đồng bào gặp nạn.
Thắp nén tâm nhang, ông Nguyễn Cảnh Anh, bố của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Cường nghẹn ngào: “Sự ra đi của con chúng tôi là sự mất mát quá lớn đối với gia đình, song sự hy sinh của con trai tôi khi đang làm nhiệm vụ của một người lính giúp dân, giúp nước là vô cùng thiêng liêng và đầy tự hào. Những ngày qua, lực lượng chức năng đã rất nỗ lực tìm kiếm thi thể của cháu; chính quyền địa phương các cấp, bà con lối xóm đã đến động viên, quan tâm, chia sẻ đã phần nào giúp gia đình vượt qua thời gian khó khăn này. Tôi cũng cảm ơn các cấp chính quyền đã tổ chức trọng thể lễ an táng cho con tôi cũng như các liệt sĩ khác được về với đất mẹ.
Anh Nguyễn Văn Quang, sống tại thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ: Hôm nay tại thành phố Vinh mưa khá nặng hạt, song không ngăn nổi tôi cũng như nhiều người dân khác đến thắp hương, tiễn đưa các liệt sĩ về với đất mẹ. Sự hy sinh của các anh trong thời bình là mất mát lớn cho đất nước và người thân gia đình. Sự quả cảm, không ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước của các anh sẽ là tấm gương để lớp trẻ noi theo. Chúng tôi mãi mãi tự hào về các anh - những người lính sáng mãi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Trước đó, ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.
Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13 km. Đến khoảng 21 giờ ngày cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên khu nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở.