Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tham dự phiên họp có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức; các tổ chức, hiệp hội, đơn vị chức năng của Đức như Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI), Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương (OAV), Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), cùng đông đảo doanh nghiệp của Việt Nam (như Tổng công ty Dược Việt Nam, Vietinbank, Vietnam Airlines, Becamex IDC, FPT, T&T Group...) và Đức (như Siemens AG, Siemens Energy, Enertrag, Adidas, Drägerwerk, HDI Global,...).
Tại phiên họp, hai bên đã trao đổi, đánh giá tổng quan về quan hệ kinh tế song phương, cũng như thảo luận các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như năng lượng, an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp 4.0, việc tháo gỡ các rào cản thương mại cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến, trong đó có dịch vụ, logistics để tận dụng một cách tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Về quan hệ kinh tế song phương, hai bên nhận thấy sự phát triển tích cực trong thương mại và đầu tư giữa hai nước, ngay cả trong bối cảnh tình hình địa chính trị có nhiều khó khăn. Trong năm 2022, thương mại hai chiều giữa Đức và Việt Nam đạt gần 15 tỷ euro, tăng từ 10 tỷ euro vào năm 2015.
Phía Đức mong muốn tham gia vào các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, y tế và số hóa thông qua trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. Hai bên tái khẳng định mối quan hệ song phương tốt đẹp, được thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với nhiều thỏa thuận mới được ký kết, trong đó có Bản ghi nhớ về chuyển đổi năng lượng, lao động và đào tạo nghề.
Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, hai bên mong muốn nâng cấp từ Đối thoại Năng lượng lên quan hệ Đối tác Năng lượng nhằm thúc đẩy và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và Đức. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng, thừa nhận vai trò quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng trong phát triển kinh tế thông qua việc đa đạng hóa nguồn năng lượng, phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và lưu trữ năng lượng.
Trong lĩnh vực công nghiệp và chuyển đổi số, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong sản xuất ô tô; khuyến khích các công ty Đức tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện và phụ kiện tại Việt Nam; và đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, điện tử và sản xuất công nghệ cao. Ngoài ra, hai bên cũng đề cập đến các khả năng thúc đẩy việc cấp thị thực làm việc cho nhân viên Đức tại Việt Nam để tạo thuận tiện hơn nữa cho các công ty của Đức làm ăn tại Việt Nam.
Về hợp tác thương mại, hai bên tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tháo gỡ các rào cản thương mại không thuế. Hai bên đồng ý hỗ trợ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của nhau theo EVFTA và luật pháp của cả hai nước. Việt Nam đề nghị Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đức. Cả hai bên cũng đồng ý hợp tác trong việc quảng bá sản phẩm trên các kênh phân phối bán lẻ tại thị trường đối tác, cũng như thông báo cho nhau thông tin về các triển lãm và hội chợ thương mại.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức là cơ chế đối thoại quan trọng, góp phần duy trì và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước thông qua việc trao đổi một cách thẳng thắn và xây dựng về các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng quan tâm. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và phát huy cơ chế đối thoại này, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi hai bên tiến hành phiên họp thứ hai Uỷ ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp hai nước để cùng trao đổi về tiềm năng thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương.
Trong khi đó, theo ông Chu Tuấn Đức - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, khuôn khổ ủy ban kinh tế hỗn hợp là cơ chế hợp tác rất quan trọng giữa hai nước, là nơi trao đổi hiệu quả không chỉ giữa cơ quan chính phủ hai nước mà còn có thể nắm bắt ý kiến của doanh nghiệp hai phía, không chỉ của các doanh nghiệp Đức đang đầu tư hoặc mong muốn đầu tư vào Việt Nam mà cả các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang làm ăn hoặc mong muốn đầu tư sang Đức.
Theo đại diện Đại sứ quán, phiên họp lần thứ hai đã diễn ra hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng, nhất là việc hai bên cùng thể hiện mong muốn nâng cấp từ Đối thoại năng lượng lên thành Đối tác năng lượng. Hai bên cũng đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương, trong đó có những vấn đề Việt Nam hết sức quan tâm, như việc phê chuẩn EVIPA, vấn đề gỡ thẻ vàng của châu Âu đối với ngành thuỷ hải sản của Việt Nam,…
Tại phiên họp nêu trên, Việt Nam và Đức cũng đồng ý tổ chức cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp 2 năm/lần, theo đó, cuộc họp tiếp theo dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm 2025, hoặc có thể sớm hơn theo thoả thuận của hai bên.