Việt Nam - Trung Quốc tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn 

Ngày 24/5, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã Hội đàm trực tuyến với Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc Giang Quảng Bình. 

Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc Giang Quảng Bình cho biết, từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã mở ra nhiều thành tích quan trọng trong hoạt động Công đoàn và công tác phát triển đoàn viên. Toàn quốc đã phát triển được hơn 3,5 triệu đoàn viên ở những lĩnh vực việc làm mới, đưa công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động lên vị trí quan trọng. Công hội Trung Quốc đã mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng bảo vệ quyền lợi người lao động, đến nay đã lập được 86.000 trạm phục vụ cho lao động ngoài trời; phục vụ được hơn 62 triệu lượt người lao động ngoài trời, các cấp Công đoàn giới thiệu được hơn 7 triệu việc làm mới, đào tạo kỹ năng việc làm cho 1,53 triệu lượt lao động...

Ông Giang Quảng Bình thông tin, vừa qua, Tổng Công hội Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, một trong số đó là hoàn thành nhiệm vụ cơ bản bảo vệ quyền lợi người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định việc làm. Đặc biệt, đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích của người lao động thuộc hình thái làm việc mới, trọng điểm là tài xế xe hàng, tài xế xe công nghệ, nhân viên giao hàng, nhân viên giao đồ ăn..., tập trung đưa những người lao động nhóm việc làm này gia nhập Công đoàn...

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã có sự trưởng thành và phát triển về mọi mặt; số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, hiện có khoảng 10,5 triệu đoàn viên trong hơn 126 nghìn công đoàn cơ sở; đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cấp công đoàn Việt Nam đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cốt lõi về đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Hiện nay, nhiều vấn đề mới, lớn đang đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến đời sống, sản xuất, thu nhập của công nhân, lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Toàn cầu hóa và liên kết, hội nhập đang là xu thế chung. Việc phê chuẩn, thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dẫn đến nhiều thay đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu tạo ra những việc làm mới, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải đổi mới phương thức và địa bàn hoạt động để thích ứng với những thay đổi vô cùng nhanh chóng này.

Nghị quyết số 02-NQ/TW về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" đã thể hiện quan điểm nhất quán và sự quan tâm của Đảng trong lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, trước mắt Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chủ đề năm 2022 là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam", tập trung triển khai các công việc để tổ chức đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 vào năm sau…

Tại Hội đàm, hai bên trao đổi về những vấn đề như hoạt động Công đoàn khi tham gia các Hiệp định thương mại, trong đó có việc xuất hiện tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với hoạt động Công đoàn trong tình hình mới… 

Hai bên bày tỏ mong muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết; quan tâm duy trì và hỗ trợ thiết lập quan hệ giữa công đoàn các địa phương, công đoàn ngành của hai nước, nhất là giữa công đoàn các tỉnh có chung đường biên giới; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa hai tổ chức về công tác đào tạo cán bộ công đoàn, phương pháp hoạt động công đoàn...

Đỗ Bình (TTXVN)
Hợp tác xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển
Hợp tác xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển

Ngày 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng chủ trì các hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 năm 2022 tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN