Việt Nam thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại

Nâng cao năng lực cạnh tranh, đây là vấn đề rất nóng đối với doanh nghiệp hiện nay khi Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và tổ chức trên thế giới. Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm nay do Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức ngày 9/6, tại Hà Nội.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ tọa. Đồng chủ tọa Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Mê Kông Tổ chức Tài chính quốc tế, ông Kyle F.Kelhofer. Cơ chế đối thoại giữa kỳ này đã thu hút đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. 


Khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài 


Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết với sự cố gắng của các cấp các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, những tháng đầu năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi vững chắc, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam đạt 6,2% và có thể cao hơn. Tuy vậy, nền kinh tế của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường nông sản đang gặp nhiều khó khăn. 


Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam có nguyên nhân từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan trong nội tại của nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo 3 khâu đột phá về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP), cải cách đầu tư công để tập trung đầu tư có hiệu quả, trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ trình độ cao; tiếp tục tái cơ cấu tài chính ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động quản trị có hiệu quả, kinh doanh tốt, khắc phục nhanh nợ xấu xuống mức 3% trong năm 2015; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt số lượng đề ra nhưng đồng thời giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, phân bổ nguồn lực về vốn, đất đai đối với các doanh nghiệp. Cùng với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, thu hút, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cùng những chính sách tái cơ cấu về nông nghiệp Việt Nam gắn với xây dựng nông thôn mới để phát triển Việt Nam một cách toàn diện, vững chắc. 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Nhận định Việt Nam đã đạt được chương mới về sự tăng trưởng, có được sự cạnh tranh và thu nhập tốt hơn, ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế cho rằng Việt Nam cần phải tối đa hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại được ký kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự kết nối và thúc đẩy sự phát triển của khu vực dân doanh. Làn sóng hội nhập kinh tế là cơ hội để tăng trưởng hiệu quả, sáng tạo và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với sự tiếp cận của công nghệ. Cơ hội này yêu cầu phải có chính sách để thúc đẩy tốt hơn. Sự cạnh tranh của Việt Nam sẽ được quyết định bởi khả năng luân chuyển những nguồn vốn hiện nay đang rất khan hiếm một cách hiệu quả nhất, việc tái cơ cấu kinh tế, ngân hàng là rất quan trọng, hướng tới một nền ngân hàng hiệu quả hơn. Ông Kyle F.Kelhofer khuyến nghị lắng nghe các nhà đầu tư tiềm năng vào thị trường, Việt Nam sẽ thấy được cơ hội và nâng cao hiệu quả của các chính sách. 


6 lĩnh vực gắn bó mật thiết với yêu cầu đổi mới cũng như tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong năm 2015 – Năm doanh nghiệp bao gồm thương mại, du lịch, đầu tư, ngân hàng, thị trường vốn và cơ sở hạ tầng đã được đề cập tại Diễn đàn. Nhiều ý kiến đóng góp chân thành để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tốt hơn đã được các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến việc phục đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), tăng cường hạ tầng cảng biển và nhu cầu về điện năng, những vướng mắc trong thực thi các quy định mới của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xuất nhập cảnh, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản. Các Bộ, ngành đã có những phản hồi kịp thời về các vấn đề trên, tạo niềm tin cho các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại đã ký kết

Cho rằng chủ đề của Diễn đàn có ý nghĩa rất thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến sâu, đề xuất, kiến nghị cụ thể của các nhóm nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội trên tinh thần xây dựng, với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành của Chính phủ, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Ghi nhận các ý kiến đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo lĩnh vực quản lý, các Bộ, ngành có hướng xử lý cụ thể. 


Với mục tiêu tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam. Cảm ơn sự đồng hành ủng hộ hỗ trợ quý báu đó, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhập được sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sâu rộng của Việt Nam. 


Trao đổi thêm về những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đó chưa thực sự bền vững, tương xứng với tiềm năng lợi thế của Việt Nam. Việt Nam có thể làm tốt hơn, vững chắc, hiệu quả hơn nữa. Với tinh thần đó, tới đây, Chính phủ sẽ quyết liệt hơn, khắc phục những hạn chế, yếu kém vướng mắc, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam sẽ tăng cường điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, thực hiện đồng bộ giải pháp để tăng tính ổn định vững chắc của nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo lạm phát không quá 5% không chỉ trong năm 2015 mà cho những năm tiếp theo.


Chính phủ sẽ điều hành tỷ giá lãi suất ổn định phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu, giữ mức bội chi theo kế hoạch năm 2015 là 5% và theo hướng thấp dần những năm tới, vào khoảng 3% theo Luật ngân sách mới. Cùng với đó là giữ nợ công trong giới hạn an toàn, bảo đảm hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công, tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10% – 15%. 


Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nước ngoài phát triển kinh tế trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,2%. Gắn liền với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp. 


Việt Nam cũng đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, các định chế tài chính, đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém, vi phạm pháp luật, đưa nợ xấu ở mức 3% để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, lành mạnh. Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại đã ký kết và sẽ hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20, Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trng tương lai. 


Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược là cải cách thể chế kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam phải vận hành đầy đủ theo quy luật và nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉ đạo tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả. 


Tái khẳng định các cam kết cải cách thủ tục hành chính đã đề ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Việt Nam cam kết đạt và vượt các chỉ tiêu, nhất là các cải cách về thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, tinh thần là đến cuối năm 2015 ngang bằng với các nước trong nhóm ASEAN-6, hết năm 2016, nhiều mặt ngang bằng với nhóm nước ASEAN-4 và vượt trội hơn. 


Bày tỏ tin tưởng vào những cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần tập trung đảm bảo nỗ lực kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh dự trữ ngoại hối, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, để nền kinh tế tối đa hóa được các hiệp định thương mại đã và sẽ ký kết. Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng việc Việt Nam thực thi một loạt chính sách mới để cải thiện môi trường kinh doanh, có bước đi trong cải cách tài chính, quản lý tài chính khôn ngoan là điều rất quan trọng. Bà khuyến nghị Chính phủ đẩy mạnh đơn giản hóa và cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn, có được sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh, mong muốn được thấy các giải pháp thực thi trong thực tế .



Chu Thanh Vân (TTXVN)
Vào 'sân chơi' FTA: Cơ hội và thách thức doanh nghiệp Việt
Vào 'sân chơi' FTA: Cơ hội và thách thức doanh nghiệp Việt

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi vào “sân chơi” FTA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN