Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, ngày 29/5 vừa qua, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á – Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Xung quanh vấn đề này, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi vào “sân chơi” này.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Dưới góc độ là người đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) đánh giá, Á – Âu là khu vực rất năng động và nhiều tiềm năng, có nhiều mối quan hệ có thể bổ túc hỗ trợ nhau cho doanh nghiệp về đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường và có nhiều yếu tố phù hợp với hàng hóa của Việt Nam.
Hiệp định được ký kết sẽ mở ra khả năng rất lớn trong việc thu hút vốn đầu tư, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm quản lý, hợp tác kinh doanh. Khu vực này có nhiều điều kiện có thể hỗ trợ Việt Nam toàn diện, đa dạng hơn.
Vì vậy, việc ký kết FTA sẽ mở ra thị trường mới, điều kiện mới, “lối thoát” mới để giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc. Thông qua việc ký hiệp định này, Việt Nam có thể hợp tác tốt ở lĩnh vực tiêu thụ nông sản mà chỉ vùng nhiệt đới như Việt Nam mới có.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh Kinh tế Á – Âu, khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ có 90% số dòng thuế hai bên mở cửa thị trường hàng hóa, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương; kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm. Hàng hóa mà Liên minh Kinh tế Á - Âu dành ưu đãi cho Việt Nam thêm nhiều cơ hội xuất khẩu là các nhóm có lợi thế như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. |
Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động tương đối dồi dào và khả năng sản xuất, trình độ kỹ thuật phù hợp với thị trường và các đối tác này. “Hy vọng sau thời gian thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam đi lên”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm kỳ vọng.
Mặc dù kỳ vọng như trên, nhưng đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định, so với khu vực và thế giới về khả năng quản lý, quản trị của đội ngũ nhân lực, năng suất lao động, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực trong nước còn hạn chế sẽ làm giá thành hàng hóa bị đẩy lên trong khi chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo.
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, khi tham gia FTA, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp một số khó khăn nên cần phải giải quyết ba vấn đề. Thứ nhất là cần nhanh chóng đổi mới thể chế của mình cho phù hợp với thị trường mới, yêu cầu của đối tác mới.
Thứ hai, phải tăng cường trang bị công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại có khả năng cạnh tranh với các nước.
Thứ ba, nhanh chóng đào tạo đội ngũ lao động kể cả đội ngũ quản lý người lao động để áp dụng được kỹ thuật mới với những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là ba vấn đề thiết yếu cần làm ngay, nếu không làm được hoặc chậm ngày nào doanh nghiệp phải “trả giá” ngày đấy”.
Phân tích thêm về vấn đề thể chế, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu ví dụ như thuế, giá thành, tỷ giá, lãi suất… phải phấn đấu ngang hàng với các nước để chi phí và giá thành thấp nhất có thể.
Cùng với đó là quyền kinh doanh, tự do kinh doanh, điều kiện trong kinh doanh như doanh nghiệp phải có những quyền tự do phát minh sáng kiến phải bình đẳng như Luật Doanh nghiệp vừa ban hành; doanh nghiệp được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm để tự do sáng tạo, thay đổi mẫu mã; tự do thay đổi lĩnh vực kinh doanh, tự do chọn thời cơ kinh doanh… đây là những vấn đề liên quan đến thể chế.
Bên cạnh thể chế, hạ tầng cũng cần được đầu tư thêm, đường sá làm tốt hơn, phí thu ít hơn để có giá thành hàng hóa rẻ hơn, đồng thời làm đồng bộ mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường bên ngoài.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng chia sẻ: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng yếu thế trong cạnh tranh kể cả vốn, công nghệ, quản lý quản trị và sự hiểu biết thị trường nên các doanh nghiệp này trước tiên phải tự thân vận động, mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá, phân tích, rút ra kinh nghiệm thành công và thất bại để tìm ra tiềm năng thế mạnh của mình".
"Không chỉ vậy, các doanh nghiệp này cũng cần nâng cao khả năng quan sát, dự báo, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và các chính sách mới… để xây dựng chiến lược kinh doanh của mình. Việc này doanh nghiệp nào cũng có khả năng làm được, không thể chỉ trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước như thời bao cấp. Đây là thời kỳ mà doanh nghiệp phải tự chủ, tự động chứ không nên dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước”, đại biểu Kiêm bổ sung.
Khẳng định việc hội nhập kinh tế quốc tế là điều tất yếu, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho biết, xác định không thể tách rời “sân chơi” quốc tế, Việt Nam đã có bước chuẩn bị từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp cũng có sự chuẩn bị để xác định hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu không hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ đứng một mình một “sân chơi” và không thể tồn tại được.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, một loạt hiệp định mà Việt Nam đã ký và chuẩn bị ký kết sẽ có hai mặt thuận lợi và khó khăn, không chỉ riêng về FTA. Về mặt thuận lợi, Việt Nam sẽ xuất khẩu được hàng hóa vào những quốc gia mà mình đã ký hiệp định với mức độ ưu đãi về thuế và không bị rào cản về thuế quan.