Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần thứ tư (AMF-4) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia từ ngày 1-2/10, thu hút sự tham gia của các quan chức cấp cao và giới chuyên gia hàng hải đến từ 10 nước thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu tham dự diễn đàn.Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh và đoàn Việt Nam tại Diễn đàn AMF-4. Ảnh: Vietnam+ |
Các đại biểu đã điểm lại hoạt động hợp tác biển giữa các nước ASEAN theo những cơ chế khác nhau cũng như giữa các thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại trong thời gian qua, đồng thời tập trung thảo luận những lĩnh vực phối hợp hợp tác trong thời gian tới, các phương thức thúc đẩy các mối liên kết hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa an ninh hàng hải và an ninh trong khu vực.
Các đại biểu cũng bàn thảo về hiện trạng phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan ASEAN, tăng cường nghiên cứu và hợp tác biển, tăng cường chia sẻ thông tin và trao đổi về các chuyên ngành khác nhau để có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực trên biển. Các biện pháp xây dựng lòng tin, đảm bảo môi trường hòa bình ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực cũng được đề cập tại diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin cho rằng ASEAN cần tăng cường hợp tác hàng hải vì sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực. Việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề an ninh hàng hải hiện nay ngày càng trở nên cấp thiết vì thương mại giữa các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á phần lớn lệ thuộc vào các hải lộ quan trọng của Eo biển Malacca (Ma-lắc-ca) và Biển Đông. Ông Hamzah Zainuddin dẫn dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, năm 2011, Nhật Bản nhập khẩu nhiên liệu trị giá 116 tỷ USD trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc nhập khẩu 76 tỷ USD và 62 tỷ USD tương ứng từ Trung Đông đi qua eo biển Malacca.
Thứ trưởng Hamzah Zainuddin cũng nêu bật các mối đe dọa của thiên tai, tai nạn, các vấn đề an ninh ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác để ngăn chặn và quản lý bất kỳ cuộc khủng hoảng có thể gây tổn hại cho kinh tế khu vực. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải, tự do hàng hải, quân sự, việc thực thi pháp luật, các cuộc đối thoại xây dựng và giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trao đổi với phóng viên bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết, Việt Nam tham gia diễn đàn nhằm tăng cường thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác về biển mà tất cả các quốc gia tham gia cùng có lợi, cũng như đóng góp chung vào môi trường hòa bình ổn định ở khu vực. Tại diễn đàn, Việt Nam cùng các nước ASEAN và các nước khác đã nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển, nhấn mạnh những biện pháp bảo đảm môi trường hòa bình ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, coi đây là điều kiện căn bản cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực biển.
Diễn đàn AMF được tổ chức lần đầu tiên theo sáng kiến của Indonesia vào năm 2010, lần thứ hai diễn ra tại Thái Lan vào tháng 8/2011 và lần thứ ba tại Philippines vào tháng 10/2012. Tiếp theo AMF-4, Diễn đàn AMF mở rộng lần thứ hai với 8 nước đối tác đối thoại gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ diễn ra ngày 3/10 tại Kuala Lumpur.
TTXVN/Tin Tức