Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch APF - Chủ tịch Quốc hội Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Amadou Soumahoro và Tổng Thư ký nghị viện - Nghị sĩ Pháp Jacques Krabal với sự tham dự của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo và đại biểu đến từ 88 Phân ban thành viên APF, trong đó có nhiều Chủ tịch Nghị viện các nước.
Trong hai ngày diễn ra các phiên toàn thể Đại hội đồng, với vai trò là cơ quan nghị viện và cơ quan tham vấn của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, các đại biểu thành viên APF đã nghe báo cáo và chất vấn Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo về các biện pháp hỗ trợ các quốc gia thành viên trong ứng phó với khủng hoảng y tế, chính trị và các chiến lược, hành động thực hiện mục tiêu về đa dạng văn hóa - ngôn ngữ; giáo dục, đào tạo, giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học; phát triển tiếng Pháp; tiếp cận thành tựu công nghệ mới; duy trì nền hòa bình, dân chủ và quyền con người; tăng cường vai trò của phụ nữ và giới trẻ; hợp tác hướng tới phát triển bền vững.
Đại hội đồng đã thông qua việc kết nạp và chuyển tư cách thành viên đối với Liên minh nghị viện thế giới, Wallis-Futuna và Catalan; thông qua các Nghị quyết do các Ủy ban và Mạng lưới đệ trình về tình hình chính trị tại Burundi và Cộng hòa Trung Phi; về hợp tác trong phòng chống biến đổi khí hậu; về chống lại bạo lực mạng đối với phụ nữ và trẻ em; về phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách toàn diện và công bằng…
Tại phiên thảo luận chung về chủ đề "Nghị viện các nước Pháp ngữ trước tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và triển vọng cho tương lai", tham luận của các phân ban tập trung trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch của các quốc gia cũng như sự thích ứng trong hoạt động của nghị viện các nước pháp ngữ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Tham luận của Phân ban Việt Nam tại Hội nghị nhấn mạnh thành công của Quốc hội trong năm 2020 thông qua việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện các biện pháp ứng phó trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, duy trì các hoạt động thường xuyên của Quốc hội, tổ chức các kỳ họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến và tập trung, thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA-41 trực tuyến, hỗ trợ nghị viện các nước trong phòng chống dịch thông qua việc tặng khẩu trang y tế.
Đoàn Việt Nam cũng đề nghị OIF và APF thúc đẩy trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia/nghị viện Pháp ngữ trong phòng chống các tác động tiêu cực của dịch bệnh; Tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi ứng dụng công nghệ số trong đời sống kinh tế xã hội cũng như hoạt động của nghị viện, giảm thiểu sự chênh lệch công nghệ giữa các quốc gia; phát huy vai trò là tổ chức đa phương toàn cầu, OIF và APF có tiếng nói trên trường quốc tế, ủng hộ bảo đảm vaccine ngừa COVID-19 được tiếp cận một cách công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển trong nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Ngoài các Phiên họp toàn thể, trong khuôn khổ Đại hội đồng, Phân ban Việt Nam đã tham dự các Hội nghị trực tuyến các Ủy ban: Chính trị, Các vấn đề nghị viện, Giáo dục - Truyền thông - Văn hóa, Hợp tác - Pháp triển, Mạng lưới nữ nghị sĩ và Mạng lưới nghị sĩ trẻ trong khoảng thời gian từ ngày 19 - 29/1.
Hiện nay, Việt Nam đang giữ cương vị Phó Chủ tịch APF. Trong thời gian gần đây, APF tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác liên nghị viện các nước thành viên với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế đã và đang có những kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ các nghị viện khó khăn hoặc mới được tái thiết sau khủng hoảng chính trị; đồng thời thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ đối với các Phân ban thành viên trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.