Các chuyên gia, đại diện quốc gia, tổ chức quốc tế và lãnh đạo địa phương một số thành phố từ nhiều khu vực khác nhau đã thảo luận, trao đổi về hiện trạng phát triển đô thị trên toàn cầu hiện nay và đề xuất các giải pháp để tăng cường tính bền vững trong phát triển đô thị, giảm tác động tiêu cực đến khí hậu và môi trường, và huy động các nguồn tài chính công và tư bền vững để xây dựng các thành phố bền vững.
Phát biểu với tư cách diễn giả chính của Diễn đàn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững. Trước tiên, các sáng kiến và thực tiễn trong phát triển đô thị cần gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 11 về các thành phố và cộng đồng bền vững, cũng như Chương trình nghị sự đô thị mới của LHQ để đẩy nhanh việc phát triển đô thị bền vững ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Thứ hai, việc xây dựng và phát triển các đô thị mới cần được tiến hành một cách xanh và thông minh hơn, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Các chính quyền địa phương có thể đóng vai trò tích cực vào quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả, thông qua xây dựng chính sách, cải tổ khuôn khổ pháp lý và quy hoạch đô thị. Thứ ba, cần tăng cường tài chính cho phát triển đô thị, đặc biệt tại các nước đang phát triển, thông qua đầu tư tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lượng trong thiết kế, quản lý và phát triển đô thị.
Tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 42% và kinh tế đô thị đóng góp 70% tổng thu nhập quốc dân. Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, xanh hơn, để đảm bảo đời sống của người dân. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào sáng kiến “Các thành phố thông minh ASEAN” để cải thiện đời sống của người dân thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bảo đảm cân bằng phát triển đô thị trên cả nước, tăng cường kết nối giao thông giữa các đô thị cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường, do đó Việt Nam sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác liên quan để phát triển đô thị bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.