Tham dự hội thảo có nhiều diễn giả và khách mời từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và Quỹ tài chính tại Thuỵ Sĩ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva nhấn mạnh, vấn đề chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu kết hợp chặt chẽ, hài hòa và hợp lý giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững là một ưu tiên của Việt Nam và là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới, đồng thời cũng là chủ đề được thảo luận tại nhiều tổ chức quốc tế và diễn đàn kinh tế-phát triển tại Geneva.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam cùng các nước đối tác ký tháng 12/2022. Chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cả về nhân lực được đào tạo, tài chính và công nghệ.
Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong việc thu hút các dự án thương mại xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Tiếp đó, các diễn giả từ các tổ chức quốc tế tại Geneva chia sẻ với các đại biểu tham dự hội thảo về các vấn đề đang nổi lên và những kinh nghiệm, thực tiễn tốt về chuyển đổi xanh, đồng thời trao đổi về các cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, trong tiến trình chuyển đổi xanh.
Bà Luisa Bernal, chuyên gia tài chính và phát triển bền vững, Văn phòng UNDP tại Geneva chia sẻ tầm nhìn về việc xây dựng một hệ thống tài chính quốc tế bền vững nhằm hỗ trợ tốt hơn cho chuyển đổi xanh, trong đó có sáng kiến mới của UNDP đang được thực hiện tại Việt Nam nhằm bảo hiểm cho các tài nguyên thiên nhiên, như nhằm bảo tồn các rạn san hô, trước các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong khi đó, bà Anja von der Ropp, chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giới thiệu về việc WIPO chia sẻ thông tin về công nghệ xanh, khuyến khích các công ty sở hữu công nghệ xanh chia sẻ công nghệ, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội. Sáng kiến “WIPO xanh” cho phép thích ứng và triển khai hiệu quả các giải pháp xanh thông qua các phương pháp hợp tác với nhiều bên liên quan, minh bạch hóa thị trường và giảm chi phí giao dịch.
Ngoài ra, hội thảo cũng bàn về tác động đến thương mại do những chính sách và biện pháp môi trường của một số nước gây ra, nhất là đối với thương mại của Việt Nam. Ông Soumyajit Karl – chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - cho rằng thương mại và đầu tư là công cụ có thể đóng góp cho phát triển nền kinh tế toàn cầu xanh hơn nếu được quản lý tốt. Ngoài ra, có lĩnh vực cạnh tranh mới về chuyển đổi xanh đang nổi lên như phi carbon hóa, thương mại tuần hoàn, chống rác thải nhựa, tính bền vững của chuỗi cung ứng… đòi hỏi các quốc gia phải nắm bắt kịp thời để phục vụ quá trình chuyển đổi xanh.
Trong 3 giờ thảo luận, các khách mời đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thông lệ tốt nhằm phát triển kinh tế xanh cũng như đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam. Đại diện UNDP và WB cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước đang phát triển khác, nâng cao năng lực và kết nối với các công ty để củng cố chiến lược phát triển kinh tế xanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.