Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Steinmeier sẽ dẫn đầu một phái đoàn về kinh tế và văn hóa tới thăm Việt Nam trong ba ngày. Bộ Ngoại giao Đức đánh giá Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Đức về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã có thêm những xung lực phát triển mới sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Đức Nobert Lammert (tháng 3/2015) và chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 11/2015).
Trong khuôn khổ kế hoạch hành động đối tác chiến lược giữa hai nước, sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực và hàng năm luôn có những dự án hợp tác mới. Đức hỗ trợ Việt Nam cải cách pháp luật, tư pháp; tiến hành đối thoại nhà nước pháp quyền...
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong 3 ngày. Ảnh: AFP/TXVN |
Một trong số dự án quan trọng của hợp tác song phương là xây dựng "Ngôi nhà Đức" tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sẽ trở thành trụ sở cho các tổ chức, các doanh nghiệp của Đức hiện diện ở Thành phố Hồ Chí Minh, và dự án này theo kế hoạch sẽ hoàn tất trong năm 2017.
Một lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ song phương là hợp tác phát triển. Năm 2015, Đức đã cam kết hỗ trợ phát triển cho Việt Nam khoảng 220 triệu euro trong hai năm, trọng tâm là đào tạo nghề, năng lượng và môi trường.
Trong quan hệ kinh tế, Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 10,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Đức từ Việt Nam tăng 33%, lên 8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Đức sang Việt Nam cũng tăng 15%, đạt 2,3 tỷ USD.
Các sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào thị trường Đức gồm giày dép, dệt may, nông sản (cà phê, tiêu,...), hải sản, linh kiện điện tử và đồ gỗ, trong khi Việt Nam nhập từ Đức máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị và các sản phẩm hóa chất.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Đức cũng hợp tác tích cực trong lĩnh vực văn hóa. Khoảng 100.000 người Việt Nam từng làm việc, học tập ở Đức được coi là cây cầu đặc biệt cho mối quan hệ song phương.