Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại cuộc họp về Nghị quyết 1559, Phó Tổng Thư ký LHQ Rosemary DiCarlo cho biết tình hình Liban thời gian qua không có tiến triển tích cực. Trong khi đó, kinh tế nước này đặc biệt khó khăn, xã hội bất ổn, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Các hậu quả để lại từ vụ nổ ngày 4/8 ở cảng Beirut càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Chủ quyền, lãnh thổ của Liban tiếp tục bị xâm phạm.
Các nước thành viên HĐBA chia sẻ những khó khăn của Liban, nhấn mạnh sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết để giúp nước này vượt qua giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Các nước cũng cho rằng Liban cần nhanh chóng thành lập chính phủ mới và thực hiện các cải cách cần thiết để ổn định tình hình.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà chia sẻ những khó khăn mà Liban đang phải đối mặt và lo ngại tình hình khủng hoảng sâu sắc này ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện Nghị quyết 1559 của HĐBA. Đại diện Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Liban và trong khu vực tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và kiềm chế các hành động có thể gây leo thang căng thẳng hoặc làm xấu thêm tình hình ở Liban. Việt Nam đề nghị HĐBA và LHQ khuyến khích lãnh đạo Liban sớm thành lập chính phủ để lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Liban, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cho chính phủ trong tương lai và hỗ trợ nhân đạo cho những người gặp khó khăn, nhất là phụ nữ, trẻ em, người già và người tị nạn tại Liban.
Nghị quyết 1559 được HĐBA thông qua năm 2004, khẳng định yêu cầu tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất và độc lập chính trị của Liban dưới cơ quan quyền lực duy nhất là Chính phủ Liban; giải tán và giải giáp tất cả các lực lượng có vũ trang ngoài nhà nước trên lãnh thổ Liban; kêu gọi tất cả các lực lượng nước ngoài còn lại rút khỏi nước này.
Cùng ngày, HĐBA đã nghe báo cáo của Ủy ban 751 của LHQ liên quan tình hình Somalia. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Bỉ tại LHQ, Chủ tịch Ủy ban 751, ông Philippe Kridelka, cho biết thời gian qua, nhóm chuyên gia (PoE) của ủy ban tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Chính phủ Somalia; thực hiện các đánh giá khả năng tài chính và quân sự của lực lượng khủng bố Al-Shabaab; đánh giá xu hướng sử dụng thiết bị gây nổ tự chế (IED) và các biện pháp ngăn ngừa sử dụng IED của lực lượng Al-Shabaab. Ủy ban nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa PoE và Chính phủ Somalia; ghi nhận nhu cầu hỗ trợ nhân đạo của Somalia vẫn ở mức cao và trao đổi về các biện pháp chống khủng bố.
Ủy ban liên quan đến Somalia được thành lập theo Nghị quyết 751 (1992), có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt; xem xét, quyết định thông báo và yêu cầu miễn trừ các biện pháp trừng phạt; kiểm tra các báo cáo của các nước thành viên được gửi theo các nghị quyết liên quan. Từ năm 1992, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 4 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của ủy ban.