Việt Nam hoàn thiện nhiều chính sách đẩy mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Ngày 16/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tiếp tục làm việc với phiên thảo luận chuyên đề 3: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Về vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Chú thích ảnh
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: TP

Thưa ông, vì sao chủ đề đa dạng văn hóa lại được lựa chọn bàn đến ở Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này?

Ngay từ tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.  

Tại Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005), UNESCO tiếp tục khẳng định đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người. Đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. UNESCO khẳng định tầm quan trọng của đa dạng văn hóa đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội. UNESCO nhấn mạnh nhu cầu lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng về mặt văn hóa trên thế giới ngày càng trở nên quan trọng. Chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.  

Những quốc gia vốn bản thân đã có một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất của các dân tộc sẽ có cơ hội thuận lợi hơn khi hội nhập quốc tế, bởi sự ứng xử linh hoạt và sự tôn trọng khác biệt vốn đã là một phần trong nền văn hóa bản địa sẽ là điểm quan trọng để đưa tới những đối thoại và hợp tác quốc tế thành công, tham gia vào một thế giới đa dạng, hòa bình và phát triển bền vững như hiện nay.

Vậy việc thúc đẩy, bảo tồn và tiếp thu giá trị mới của văn hóa Việt Nam được thể hiện như thế nào suốt tiến trình lịch sử?

Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để xây dựng cộng đồng 54 dân tộc đa dạng, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ý thức về quốc gia - dân tộc, tình cảm yêu nước, trách nhiệm công dân là mẫu số chung để đoàn kết mọi người dân Việt Nam, dù khác nhau về thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo.

Trong suốt tiến trình lịch sử, Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và ngày càng hoàn thiện hệ thống các chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, coi di sản văn hóa các dân tộc anh em là bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, vừa tiếp thu giá trị mới phù hợp, vừa phát huy bản sắc riêng, để văn hóa mỗi dân tộc ngày càng phát triển, để văn hóa Việt Nam ngày càng vươn tới tầm cao mới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định những định hướng lớn, quan trọng trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam, trong đó nổi bật có những nội dung liên quan đến phát huy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa các dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cương lĩnh đã khẳng định Việt Nam: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc”.  

Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Quốc hội Việt Nam ban hành một số chủ trương, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Cụ thể như, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó nhấn mạnh các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Quốc hội ban hành các luật về tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa... các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, dân tộc miền núi, xóa đói giảm nghèo... thường xuyên có những cuộc chất vấn, giám sát lớn để bảo đảm những vấn đề đa dạng văn hóa được tôn trọng và lồng ghép trong các chương trình lớn của đất nước.  

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội Việt Nam, sự phát triển văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, được cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè, tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đến nay, trên cả nước có trên 3.590 di tích quốc gia, 119 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Vậy đa dạng văn hóa được bàn đến trong hội nghị lần này sẽ tập trung những vấn đề gì, thưa ông?

Đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa tộc người.  

Chính vì vậy, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội, Phiên thảo luận toàn thể 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.  

Chúng ta cùng nhau tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, tập trung vào các nội dung: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số  đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.

Thưa ông, thanh niên đóng vai trò như thế nào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa? Điều này đã được thanh niên thể hiện ra sao? 

Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Điều này được minh chứng qua những điều sau đây: 

Thứ nhất, việc thanh niên tham gia vào các hoạt động như giữ gìn, bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống và biểu diễn nghệ thuật là cách kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng thời tạo cơ hội cho mọi người hiểu và trân trọng những giá trị này.

Thứ hai, thanh niên có thể tham gia vào các câu lạc bộ nghệ thuật ở địa phương, như ở các nhóm dân ca, dân vũ và tiếp tục sáng tác nghệ thuật mới khiến họ không chỉ phát huy tài năng cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển và duy trì các giá trị văn hóa trong cộng đồng.

Thứ ba, việc thanh niên chia sẻ thông tin và kiến thức của mình thông qua việc truyền tải thông điệp văn hóa qua các phương tiện truyền thông xã hội và sự kiện xã hội sẽ giúp lan tỏa các giá trị, thay đổi quan điểm và làm cho mọi người hiểu và đánh giá cao các nét văn hóa độc đáo.

Thứ tư, thanh niên có thể thúc đẩy sự đa dạng văn hóa bằng cách chia sẻ những trải nghiệm, kiến ​​thức và niềm đam mê của mình với những người khác để tạo ra sự giao lưu và trao đổi văn hóa giữa các cộng đồng và tạo nên một môi trường văn hóa cởi mở, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, thanh niên cần tham gia vào các hoạt động tình nguyện và xã hội để góp phần vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Bằng cách làm điều này, họ truyền cảm hứng cho những người khác để có trách nhiệm với xã hội và tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa của cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Vân/Báo Tin tức
Những đại sứ văn hóa tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Những đại sứ văn hóa tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

200 liên lạc viên, tình nguyện viên phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được lựa chọn từ hơn 2.000 cá nhân đăng ký tham gia. Họ chính là những đại sứ văn hóa lan tỏa hình ảnh đẹp về thanh niên Việt Nam, con người Việt Nam tới bạn bè trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN