Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, đoàn đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin - truyền thông Hàn Quốc (MSIT), Ủy ban của Tổng thống về Phát triển chính phủ nền tảng số (Digital Platform Government – DFG), Cơ quan quản lý Internet và An toàn thông tin quốc gia Hàn Quốc (KISA), Cơ quan Xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIA), Cơ quan xúc tiến công nghiệp ICT quốc gia Hàn Quốc (NIPA), các hiệp hội doanh nghiệp về công nghiệp Trí tuệ nhân tạo (AIIA), Bưu chính Hàn quốc (Korea Post) và tham gia Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng MSIT Lee Jong-ho, hai bên đã chia sẻ thông tin về Chiến lược và chính sách số của Hàn Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm các công nghệ được tập trung nghiên cứu phát triển như công nghệ AI bán dẫn (AI-semiconductor) và công nghệ tính toán AI lớn, công nghệ sinh học tiên tiến và công nghệ lượng tử.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ số, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là AI hẹp và chuyên biệt; đồng thời nhấn mạnh lĩnh vực này cần có sự hợp tác quốc tế về chia sẻ chính sách cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Hai bộ trưởng cũng thảo luận các kế hoạch hợp tác dựa trên tầm nhìn và chính sách tăng trưởng đổi mới sáng tạo số. Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ICT trong thời gian tới, trong đó đặc biệt tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển AI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ bán dẫn.
Trong khuôn khổ buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban DFG, phía Hàn Quốc đã chia sẻ định hướng chính sách của mô hình chính phủ số ở Hàn Quốc và dự án AI lớn đặc trưng của Chính phủ Hàn Quốc. Đại diện phía Hàn Quốc đã giới thiệu mô hình tổ chức của DPG gồm sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và 17 Nhóm công tác để triển khai các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến thúc đẩy chính phủ điện tử thông qua việc kết nối các hệ thống và dữ liệu của các cơ quan, thúc đẩy sự sáng tạo của khu vực tư nhân và cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tùy chỉnh cho việc hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu.
Việc trao đổi với các cơ quan thuộc Bộ MSIT Hàn Quốc như NIA, KISA, NIPA đã cung cấp thêm các thông tin liên quan đến quá trình nghiên cứu, hoạch định chính sách ICT mới nhất của Hàn Quốc. Một số sáng kiến nổi bật có thể kể đến như sáng kiến “AI Voucher” cho 200 doanh nghiệp ICT mỗi năm, các giai đoạn hỗ trợ doanh nghiệp ICT khởi nghiệp tại Hàn Quốc (hỗ trợ hệ thống máy tính hiệu năng cao, hỗ trợ cho thuê văn phòng giá rẻ…), xây dựng các đề án, công trình của chính phủ có ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp start-up, ứng dụng y tế số dựa trên AI “Doctor Answer”,…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đến thăm và làm việc với Đại học Seoul Cyber (SCU) và dự lễ khai trương Văn phòng Liên kết đào tạo giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và SCU. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng sự hợp tác hiệu quả của hai trường đại học, đồng thời nhấn mạnh mô hình đại học số của trường Đại học SCU là mô hình tiên tiến và là hình mẫu để các trường đại học Việt Nam học hỏi trong tổ chức đào tạo, vận hành và sản xuất nội dung dạy - học theo mô hình đại học số e-learning hiện đại tích hợp công nghệ số và AI. Hai trường cần đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mô hình đại học số tiên tiến này.
Cũng trong thời gian ở Hàn Quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ MSIT Hàn Quốc và các hiệp hội 2 nước tổ chức Diễn đàn số Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024. Chương trình có sự tham gia của đại diện hai bộ, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, các hiệp hội ICT và 20 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, 150 đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương hoạt động trên địa bàn. Đây là cơ hội để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam kết nối giao thương, chia sẻ nhu cầu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế tại thị trường Hàn Quốc. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác phát triển mới, mạnh mẽ từ chính sách, đến thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời thúc đẩy hợp tác và chia sẻ các chính sách, sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến giữa hai nước, dẫn đến tăng trưởng ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tại buổi nói chuyện với các sinh viên Việt Nam đang học tập ngành ICT tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ tình hình phát triển ngành ICT của nước nhà và giải đáp các câu hỏi của sinh viên liên quan đến định hướng làm việc sau khi tốt nghiệp tại Hàn Quốc, khơi dậy khát vọng về việc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh dựa trên sự phát triển công nghệ và vươn ra thị trường quốc tế. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc các em làm việc cho các Tập đoàn công nghệ của Việt Nam tại nước ngoài cũng chính hành động “vì nước”, làm vẻ vang thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác đã đến thăm Văn phòng đại diện Tập đoàn FPT tại Seoul, Hàn Quốc.