Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ về phiên họp Đại hội đồng lần thứ 51 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Trung tâm hội nghị quốc tế Geneva ngày 27/9, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Tạ Quang Minh cho biết cuộc họp Đại hội đồng là hoạt động quan trọng nhất trong năm của WIPO. Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức, Việt Nam đã tích cực tham gia các dự án của Chương trình phát triển WIPO và vai trò của Việt Nam đang dần được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, năm nay Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của WIPO nhiệm kỳ 2013-2015, cơ quan quyết định việc phân bổ ngân sách cho các chương trình, kế hoạch hoạt động của WIPO.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp Đại hội đồng lần này gồm đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến với cuộc họp lần này, Việt Nam mong muốn cùng với các thành viên khác của Tổ chức thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO, đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến vận hành hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới và của Tổ chức. Đại hội đồng sẽ quyết định một số vấn đề quan trọng như gia hạn nhiệm vụ đàm phán của Ủy ban liên chính phủ về Nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian để có thể thống nhất về các văn kiện quốc tế bảo hộ các đối tượng này; triệu tập Hội nghị ngoại giao để ký kết một thỏa thuận quốc tế về luật kiểu dáng công nghiệp; thông qua kế hoạch bầu cử Tổng Giám đốc mới; bầu thành viên của Ủy ban điều phối và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của WIPO; mở các văn phòng đại diện của WIPO ở các khu vực…
Về một số dự án Việt Nam tham gia trong chương trình phát triển WIPO, Cục trưởng Tạ Quang Minh đã giới thiệu hai dự án Việt Nam đang tích cực tham gia. Thứ nhất là dự án về Sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu để phát triển kinh doanh ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Đây là Dự án của WIPO nhằm hỗ trợ một số nước đang phát triển và kém phát triển xây dựng chiến lược thương hiệu để quảng bá các sản phẩm, đặc sản của địa phương, tăng cường tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm đó. Hiện nay, Việt Nam đang được WIPO hỗ trợ xây dựng chiến lược thương hiệu cho ba sản phẩm là chè Ba Vì, nước mắm Phú Yên và hoa Đà Lạt. Thứ hai là dự án Tiếp cận cơ sở dữ liệu chuyên ngành: trong khuôn khổ Dự án này, WIPO sẽ hỗ trợ các nước thành lập các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới (TISC) thông qua các hoạt động như đào tạo kỹ năng khai thác thông tin sáng chế, hỗ trợ tiếp cận với các nguồn thông tin sáng chế. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ký thỏa thuận với WIPO để trợ giúp Việt Nam thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo khuôn khổ hợp tác này, WIPO đã triển khai một số hội thảo tại chỗ và trực tuyến để đào tạo cho các cán bộ Cục về kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế, hỗ trợ Cục truy cập một số cơ sở dữ liệu sáng chế và phi sáng chế.
Ngoài việc tham gia các dự án trong khuôn khổ Chương trình phát triển của WIPO, hàng năm WIPO cũng dành cho Việt Nam các trợ giúp khác nhằm năng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Hòa nhịp với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng tham gia sâu rộng vào hoạt động của WIPO với tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Hiện nay Việt Nam đang chủ động tham gia đàm phán để xây dựng các văn kiện bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế, bảo vệ các lợi ích thiết thực của đất nước.
TTXVN/Tin tức