Về xã Đắk Nông mừng Tết Độc lập

Những ngày cuối tháng 8 lịch sử này, tất cả 9 thôn làng ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đang sống trong mùa lễ hội mừng ngày Tết Độc lập của dân tộc. Các phong trào TDTT như bóng chuyền, bóng đá hay lao động sản xuất giỏi đã được người dân phát động đến tận các ngõ làng càng làm cho không khí ngày Quốc khánh 2/9 thêm nhiều ý nghĩa.

Tự hào truyền thống

Đắk Nông là vùng căn cứ cách mạng. Trong giai đoạn chống thực dân Pháp, đây là nơi nuôi dưỡng, cung cấp lương thực cũng như làm giao liên cho cách mạng. Thực dân Pháp nhiều lần càn quét nhưng người dân vẫn quyết tâm bảo vệ các chiến sỹ cách mạng. “Rừng núi này có con nai, con khỉ nào ở không” là những từ ngữ mà thực dân Pháp ám chỉ những người cách mạng, để chúng dụ dỗ, lôi kéo người dân làm chỉ điểm nơi trú ngụ của các chiến sỹ. Theo già Hà Sỹ Xê (82 tuổi) nhiều biện pháp lôi kéo không thành, thực dân Pháp quay lại dùng các biện pháp mạnh để làm nản ý chí của người dân. “Ai là họ Xiêng đều bị chúng tra tấn, giết hại vì lúc đó bà con không theo nên chúng ghét”. Để bảo vệ tính mạng, làm chỗ dựa cho cách mạng, già Xê và nhiều người đổi sang họ Hà để “lách luật”.

Sau thời kỳ chống Pháp, người dân lại cùng cách mạng chống đế quốc Mỹ. Nơi đây lại là vùng căn cứ cách mạng H40 thuộc khu 3. Lúc bấy giờ, Trung đoàn 120 (hoạt động ở khu vực Tây Nguyên) đóng quân. Đây được xem là hậu phương vững chắc của cách mạng. “Lúa không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người” cho cách mạng. “Trong cuộc kháng chiến này có 60 người con nơi đây ngã xuống để bảo vệ dân làng, chống kẻ thù xâm lược”, già Xê kể. Ngày đó, người dân bất kể ngày đêm vẫn quyết bám trụ buôn làng, nhiều lần chống trả các đợt càn quét của kẻ thù để bảo vệ buôn làng, cách mạng… Với truyền thống hào hùng, yêu nước trên, năm 1995 xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Từ chỗ chỉ lo làm nương rẫy, người dân Đắk Nông đã dần phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao.


Ngày giải phóng, người dân vẫn sống theo tập quán phát đốt, chọc tỉa. Người dân các buôn làng vẫn cứ nay đây mai đó. Họ đi từ núi này đến núi khác để trồng trọt. Lang thang mãi cái chân của mỗi người cũng mỏi, nó không chịu nghe theo cái bụng. Một lần nữa các cựu chiến binh, những người đã trực tiếp tham gia bảo vệ buôn làng lại gương mẫu đi đầu trong cuộc kháng chiến chống lại đói nghèo. Theo đó, mỗi đảng viên được phân công phụ trách một nhóm hộ, ai cũng phải gương mẫu đi đầu trong lao động, sản xuất cũng như cuộc sống… Nhờ vậy mà Đắk Nông đổi thay từng ngày.

Vững bước hướng tới tương lai

Về Đắk Nông hôm nay, đâu đâu người dân cũng bàn tán chuyện chăm lo làm giàu. Cái đói chẳng còn, cái nghèo vẫn có, nhưng chỉ với những hộ neo đơn, đông con. Toàn xã chỉ có 830 hộ với 3.199 khẩu nhưng những năm qua, chính quyền và nhân dân trong xã đã cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày một phát triển. Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy, người dân đã dần khai hoang trồng trọt, trong đó đa dạng hóa các loại cây trồng dài ngày như cao su, bời lời, cà phê với tổng diện tích gần 450 ha. Diện tích lúa nước cũng được người dân chú trọng phát triển lên thành cả trăm ha. “Ruộng lúa nước được Nhà nước khuyến khích dân làm và hỗ trợ giống, phân, kỹ thuật… Giờ mỗi năm xuống ruộng 2 lần nên cũng chẳng ai lo đói nữa”, già Xê tự hào nói.

Anh Xăng Lăng Nguyện - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, tất cả 9 thôn, làng trong xã đều có hộ gia đình tham gia nhận khoán vườn cây của Nông trường cao su Dục Nông (thuộc Công ty Cao su Kon Tum) đã góp phần tăng thu nhập trong mỗi hộ gia đình. Việc con em tham gia làm công nhân cao su đã thực sự tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của mỗi người dân trong làng. Những minh chứng rõ nét về đời sống cao (cả vật chất, tinh thần) từ các hộ công nhân cao su đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Từ chỗ chỉ lo làm nương rẫy, người dân đã dần phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cao su. Theo anh Nguyện, chỉ trong 6 tháng đầu năm, xã cũng đã phát triển được 80 ha cao su tiểu điền, số diện tích trồng ban đầu năm 2006 cũng chuẩn bị cho khai thác mủ. Tại các diện tích trồng mới này, người dân tranh thủ trồng xen thêm cây sắn - có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Hiện tại ở Đắk Nông, mỗi diện tích đất trống đều được tận dụng để cho gieo trồng.

Anh Blong Hợi - Chánh Văn phòng Đảng ủy xã Đắk Nông cho biết: Để có được thành công như vậy, vai trò của các đảng viên trong những năm qua là hết sức quan trọng. Theo đó, cán bộ đảng viên được phân công phụ trách từng hộ, nhóm hộ. Những người được phân công phải biết làm ăn giỏi để hướng dẫn lại cho mọi người. Hàng tháng, mọi người nhóm họp để nắm tình hình, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau trước khi chi bộ họp… Ngoài ra, xã cũng tổ chức cho người dân đi tham quan các mô hình hay ở trong xã, huyện cũng như tỉnh để mọi người học hỏi thêm cách làm giàu.

Ngoài ra, thế hệ trẻ Đắk Nông hôm nay rất biết chăm lo việc học. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Kon Tum phát kiến ra phong trào “Tiếng kẻng học tập” kết hợp với “Góc học tập” từ Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hồi đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong phong trào học tập ở địa phương. Theo đó, cứ 19 giờ hàng ngày thì trưởng thôn chịu trách nhiệm gõ 3 hồi kẻng dài để nhắc nhở con cháu tới giờ học bài. Tại mỗi gia đình, các cháu cũng được ưu tiên sắp xếp một góc học tập riêng với bàn ghế, đèn, cùng các dụng cụ học tập thiết yếu… nhờ vậy mà thành tích học tập của các em tiến bộ từng ngày. Từ chỗ không có học sinh giỏi (cấp 1 và 2), hơn 8% học sinh tiên tiến (năm học 2006-2007, trước khi triển khai 2 phong trào trên) thì trong năm học vừa qua tỷ lệ học sinh khá, giỏi đã đạt gần 35%.

Theo già Hà Sỹ Xê thì người Đắk Nông hôm nay ai nấy đều quan niệm, trong cuộc sống “no phải ngon, ấm phải đẹp”.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN