Tại đại hội, các đại biểu đánh giá thành tựu cũng như những mặt còn tồn tại trong hoạt động văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời gian qua, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động, tìm biện pháp, giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong nhiệm kỳ tới…
Làm giàu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc
Đến dự và phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã kịp thời đáp ứng yêu cầu tổ chức tập hợp, đoàn kết, phát hiện bồi dưỡng các tác giả là người dân tộc ít người, tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển phong phú và đa dạng văn học nghệ thuật của các dân tộc anh em trong thời kỳ mới. Kiên trì thực hiện sứ mệnh cao quý của mình, nối tiếp các kết quả đạt được trong các kỳ Đại hội trước, trong 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và toàn thể đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số hoặc hoạt động liên quan đến văn học nghệ thuật dân tộc đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng, tiếp tục đưa sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, làm giàu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả của toàn thể Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, các văn nghệ sỹ, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân tộc ít người trong nhiệm kỳ vừa qua. Phó Thủ tướng cho rằng, những kết quả hết sức đáng trân trọng đó đã góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Nghị quyết của Đảng đã khẳng định, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo nâng cao trình độ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Những thành tựu, giá trị và bản sắc độc đáo của văn hóa hơn 50 dân tộc anh em không chỉ làm cho nền văn hóa Việt Nam đậm sắc màu phong phú, mà còn góp phần củng cố sự thống nhất ý chí, tinh thần, tình cảm, tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nền văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển, thống nhất trong đa dạng, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa, văn minh của nhân loại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời gian tới, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn trong tổ chức tập hợp, động viên đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân bằng tài năng và tấm lòng tất cả vì văn hóa dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sẽ góp phần thiết thực vào hiệu quả thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, trực tiếp nhất là Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Từng bước hình thành đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong các dân tộc thiểu số
Phó Thủ tướng nêu rõ: Một nhiệm vụ vừa có tính chiến lược vừa cấp bách của Hội là xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, biểu diễn, sưu tầm nghiên cứu lý luận phê bình cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về tài năng và am hiểu sâu sắc văn hóa của dân tộc mình, gắn bó mật thiết với quê hương… để nỗ lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình, sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hấp dẫn quần chúng. Cùng với đó, Hội đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của chi hội các tỉnh, thành phố, của các chuyên ngành, các lĩnh vực… tăng cường sự phối hợp thường xuyên và có hiệu quả với các hội chuyên ngành, các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ riêng và trực tiếp của đồng bào các dân tộc, những người sáng tạo văn hóa, mà là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Chính vì vậy, Phó thủ tướng đã đề nghị các cấp ủy Đảng, các Ban, bộ ngành các địa phương, các Hội văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương cần chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất, dành sự quan tâm và cả nguồn lực xứng đáng, cần thiết để hoạt động văn học nghệ thuật, hoạt động văn hóa đúng với phương châm: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng then chốt và văn hóa là nền tảng tinh thần, để Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, đồng thời tiếp tục góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo tổng kết tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết, đến nay, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội của 40 tỉnh thành trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu – điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Cán bộ quản lý văn hóa dân tộc gồm nhiều thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Lô Lô, Phù Lá, Pa Dí, Bố Y, La Chí, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Raglay, Hrê, M’nông, Xtiêng, Xơ Đăng, Bru – Vân Kiều, Cơ Tu, Cơ Ho, Chơ Ro… Nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã thành lập thêm 8 chi hội, kết nạp thêm 135 hội viên thuộc các chuyên ngành và các thành phần dân tộc khác nhau.
Báo cáo cũng chỉ rõ, sau Đại hội lần thứ V, Hội đã hướng các hoạt động về địa bàn là các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức một số hội thảo về xây dựng phát triển Hội, tổ chức các đợt đi thực tế và sáng tác tại các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ… cho ra đời những sáng tác có giá trị. Đề tài sáng tác được đề cập ở nhiều góc độ, từ truyền thống đấu tranh cách mạng và kháng chiến đến sự đổi thay của quê hương, đề cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc…
Hội đã có kế hoạch thực hiện xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ dân tộc thiểu số và những người hoạt động văn học nghệ thuật gắn bó, tâm huyết với miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.,... Bên cạnh đó, từng bước củng cố, đổi mới hoạt động của Hội và các tổ chức cơ sở ở các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số. Hội tập trung xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong các dân tộc thiểu số, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh Hội viên bằng nhiều hình thức trong điều kiện có thể của Hội, như: Hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sỹ cao tuổi đã có nhiều cống hiến… Những công việc này đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng...
Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, đội ngũ văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số xuất hiện khá đông đảo, có nhiều tác phẩm phục vụ đồng bào dân tộc. Các đề tài sáng tác đã mở rộng hơn, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số từng bước bắt nhịp vào đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, cái lạc hậu… có tác phẩm đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng dân tộc và miền núi. Điều đáng chú ý là ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trong nhiệm kỳ qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông… và của nhiều dân tộc khác của các tác giả dân tộc thiểu số được biên soạn rất công phu và có giá trị cao được ra mắt bạn đọc.
Bên cạnh những thành tựu, Đại hội cũng nêu những mặt hạn chế trong nhiệm kỳ qua như sự chênh lệch giữa đội ngũ văn nghệ sỹ các dân tộc thiểu số giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch khá lớn, chất lượng các tác phẩm chưa cao, chưa hấp dẫn công chúng, các tác phẩm chưa đi sâu vào đời sống đồng bào, chưa có nhiều tác phẩm hay về đề tài đổi mới ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số…
Đại hội cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu về hoạt động của Hội, các giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ diễn ra đến hết ngày 19/11.