Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 7

Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.  Tại phiên họp buổi sáng, các thành viên UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến Luật Xuất bản (sửa đổi) như: Thống nhất tên gọi Luật Xuất bản (sửa đổi), quản lý hoạt động in; liên kết trong hoạt động xuất bản…

Về vấn đề thống nhất tên gọi Luật Xuất bản (sửa đổi), dự thảo luật đề nghị đổi tên Luật Xuất bản (sửa đổi) thành Luật Xuất bản, in, phát hành. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Điều 1, Luật Xuất bản hiện hành đã quy định, hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Khái niệm xuất bản đã bao hàm cả việc tổ chức và biên tập bản thảo lẫn việc in và phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản phải bao gồm ba khâu cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau là xuất bản, in và phát hành, do vậy, đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản (sửa đổi).

Vấn đề cấp giấy phép hoạt động in, đa số các ý kiến cho rằng, cần quy định in là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không cần cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, các cơ sở in sau khi được thành lập cần làm thủ tục đăng ký hoạt động với cơ quan thẩm quyền và tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định trong quá trình hoạt động và được giám sát bằng cơ chế, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nội dung liên kết trong hoạt động xuất bản có nhiều ý kiến khác nhau. Theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu xuất bản chủ yếu thuộc trách nhiệm của NXB. Nhưng thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, NXB chỉ quyết định xuất bản. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân liên kết trong xuất bản, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận và luật hóa một hình thức liên kết xuất bản mới, trong đó đối tác liên kết được thực hiện toàn bộ các công đoạn xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh nội dung, trình Quốc hội.

* Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật của Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung là những vấn đề cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.

Bàn về quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tại điểm a, khoản 4, Điều 17 dự án luật có những quan điểm khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại quy định này vì quy định dự thảo sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng số viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng của họ là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp và toàn xã hội.

Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi đó hoạt động giảng dạy phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian. Do đó, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng công việc. Không đồng tình với lập luận này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải, lực lượng giảng viên có kế hoạch và thời gian giảng dạy cụ thể, chính vì thế họ có thể sắp xếp được công việc để tham gia hành nghề luật sư. Hơn thế, giảng viên rất cần thực tiễn và việc tham gia bào chữa cho họ kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn.

Về quy định các trường hợp bị xử lý hình sự không được hành nghề luật sư, dự thảo luật sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhằm tạo cơ hội cho những người này hướng thiện và có cơ hội hành nghề.

Thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành với những lập luận của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư cũng là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ luật sư vừa hồng vừa chuyên, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý…

Khiếu Tư - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN