Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lấy lợi ích của cử tri, nhân dân làm mục tiêu, phương châm hành động

Tại Phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 12, sáng 11/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung thảo luận.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 3 đã hoàn thành tốt khối lượng công việc theo chương trình kỳ họp, các nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp đã giải quyết tương đối triệt để nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Kết quả Kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới, cải tiến không ngừng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên cơ sở lấy lợi ích của cử tri và nhân dân làm mục tiêu, phương châm hành động.

Tiếp đó, trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 23 ngày, từ ngày 23/10/2017 đến ngày 22/11/2017 để xem xét, thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật và xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, cử tri cả nước về cơ bản đều ghi nhận, đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới, hiệu quả, dân chủ và trách nhiệm.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong thảo luận tổ, hội trường, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, tạo điều kiện để nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, nâng cao chất lượng thảo luận, nhất là việc kịp thời tăng thời gian phiên họp của một số nội dung cần thiết đã đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Việc tăng cường tranh luận của đại biểu Quốc hội tiếp tục là điểm nhấn của kỳ họp, tạo không khí sôi nổi, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch thể hiện sự nghiêm túc, sát sao nhưng cũng hết sức linh hoạt, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận, đi đến cùng vấn đề. Các thành viên Chính phủ giải trình cặn kẽ, làm rõ vấn đề đại biểu nêu lên. Trong đó, điều hành phiên chất vấn rõ ràng, có chiều sâu, kết luận từng nhóm vấn đề chất vấn ngắn gọn, đầy đủ, khách quan, thuận lợi cho việc ban hành Nghị quyết và được đánh giá cao.

Công tác tuyên truyền về Kỳ họp được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới, vừa tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin, vừa đảm bảo nội quy, trật tự trong khu vực hội họp. Các phiên thảo luận ở tổ, hội trường được phản ánh khá toàn diện, các phiên họp được truyền hình trực tiếp đã góp phần tích cực đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân hơn, tạo điều kiện để cử tri theo dõi.

Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc trình bày một số tờ trình, báo cáo còn vượt quá thời gian quy định. Việc chấp hành nội quy kỳ họp còn chưa cao, một số đại biểu còn vắng mặt tại các phiên họp, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng các báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo thẩm tra, bảo đảm thuyết phục hơn, nêu rõ quan điểm, chính kiến để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hữu quan trong việc sớm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, bảo đảm chất lượng, tiến độ và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Các đại biểu cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung, nhất là phát huy nhiều hơn nữa tính đối thoại, tranh luận; có các biện pháp để hạn chế việc bổ sung nội dung vào sát phiên khai mạc hoặc sau khi Quốc hội thông qua chương trình kỳ họp.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, qua thảo luận, cơ bản các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí đánh giá Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình Kỳ họp đã cụ thể hóa đúng chủ trương, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; các dự án Luật đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao, với trên 80% đại biểu Quốc hội tán thành.

Số lượng đăng ký phát biểu ý kiến ngày càng tăng, trong đó có nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội. Việc thảo luận, tranh luận diễn ra sôi nổi với thái độ trách nhiệm, số lượt tranh luận tăng; được sự đồng thuận lớn của các đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân cả nước.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày làm việc, trong đó lựa chọn các vấn đề cụ thể, tránh dàn trải; xem xét, cải tiến quy trình thu, phát Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác báo chí để bảo đảm việc truyền tải thông tin kịp thời, trung thực, khách quan.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các Báo cáo, Tờ trình; đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi các nội dung qua các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ánh lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện Chương trình của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm sự đồng bộ của pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

TTXVN/Tin Tức
Khai mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Khai mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Sáng 11/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN