Thưa ông, ngoài những chương trình, chính sách đang áp dụng, thời gian qua Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để Điện Biên phát triển, ông có thể khái quát cụ thể hơn về vấn đề này?
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, dân số hiện nay khoảng 61 vạn người gồm 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mông với tỷ lệ trên 38%, tiếp đó là dân tộc Thái khoảng 35%, dân tộc Kinh chỉ có hơn 17%, còn lại là các dân tộc khác.
Địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Điện Biên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS như: Chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình sắp xếp ổn định dân cư từng khu vực; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị… đã từng bước tạo điều kiện cho Điện Biên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn khoảng 29,9%, trong đó trên 90% số hộ nghèo trên địa bàn lại là đồng bào DTTS. Chính vì vậy, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định, phải tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực, đặc biệt là khu vực đồng bào DTTS, miền núi.
Để thực hiện được chủ trương này, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 như: Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội; Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.
Cùng với việc triển khai các chương trình đó, tỉnh Điện Biên đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ở các lĩnh vực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo một cách bền vững nhất khu vực này.
Cụ thể, về chính sách của tỉnh trong giai đoạn tới, Điện Biên đang tập trung vào những chương trình lớn.
Thứ nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển mạnh diện tích cây mắc ca ở những vùng đồng bào DTTS. Theo chính sách chung của tỉnh là gắn kết giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết với người dân thông qua đại diện của người dân là mô hình hợp tác xã.
Thứ hai là đưa du lịch của Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó trụ cột quan trọng nhất là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch.
Thứ ba là phát triển về kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với việc phát triển đô thị. Đối với vùng đồng bào DTTS miền núi, kết cấu hạ tầng được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ phần kết cấu hạ tầng về nông thôn như đường, điện, trường, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân được tiếp cận sớm với những dịch vụ thiết yếu.
Đây là một mục tiêu nhằm thực hiện giảm nghèo đa chiều gắn với phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, Điện Biên cũng chăm lo về văn hóa, đặc biệt là phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện đổi mới căn bản giáo dục đào tạo các khu vực.
Theo chương trình, tỉnh Điện Biên đang xây dựng tài liệu học của địa phương với 20% chương trình học được giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Một chương trình nữa mà Điện Biên phải thực hiện, đó là phát triển nguồn nhân lực, coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là người địa phương, người đồng bào DTTS. Đặc biệt tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Như ông vừa đề cập, ở những huyện khó khăn như Mường Nhé, tỉnh sẽ có kế sách gì trong định hướng phát triển ở huyện biên giới này?
Tỉnh Điện Biên rất phấn khởi bởi từ năm 2019 đến nay, dưới sự phát động của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ công an, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của hệ thống các ngân hàng hỗ trợ làm nhà ở cho những hộ nghèo ở Mường Nhé nên đến thời điểm này, cơ bản các hộ nghèo ở đây đã có nhà ở ổn định. Bây giờ người dân đang tập trung vào phát triển KT-XH.
Để KT-XH ở Mường Nhé phát triển, tỉnh Điện Biên đã có chủ trương tập trung đầu tư dự án trồng cây mắc ca với tổng diện tích khoảng 20.000 ha trên địa bàn huyện.
Tôi đánh giá cây mắc ca là cây có tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân góp phần giảm nghèo một cách bền vững.
Tiếp đến là kết cấu hạ tầng, cơ bản các tuyến đường từ tỉnh vào huyện đã được đầu tư nâng cấp và các tuyến đường từ huyện đến xã cũng đã được duy tu, phát triển. Hệ thống giáo dục, các trường học và trạm y tế đã được quan tâm, đầu tư đáp ứng yêu cầu về khám, chữa bệnh cũng như học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Như vậy chúng tôi thấy rằng đến thời điểm hiện nay các điều kiện cần để Mường Nhé có thể phát triển đã được thực hiện. Bây giờ chỉ có điều kiện đủ là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân để thực hiện các chính sách liên quan góp phần giảm nghèo cũng như phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, đặc biệt là địa bàn huyện Mường Nhé.
Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, muốn bảo vệ, giữ vững được an ninh trật tự trên địa bàn thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển được KT-XH, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Cái này mới là lâu dài và ổn định để giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh quốc gia.
Chính vì vậy trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ việc ở Mường Nhé 10 năm về trước, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển KT-XH đối với vùng này. Đây là nhiệm vụ song song, vừa phát triển KT-XH nhưng phải gắn với việc bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững quốc phòng an ninh, từ đó tạo điều kiện cho KTXH phát triển.
Thưa ông, dù còn nhiều khó khăn về địa lý và cả những nội tại, nhưng tỉnh Điện Biên cũng có những lợi thế riêng. Vậy Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới đã xác định khai thác những tiềm năng, thế mạnh gì để phát triển?
Về khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Điện Biên, trên cơ sở đánh giá được thực trạng, tỉnh đã xác định tập trung vào những tiềm năng lợi thế chính như sau:
Thứ nhất, tỉnh sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai để đẩy mạnh tái cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tiềm năng đất đai ở Điện Biên chủ yếu là đất lâm nghiệp nên tỉnh đẩy mạnh việc phát triển cây mắc ca, các loại cây công nghiệp có giá trị như cây cà phê, chè cây cao và duy trì diện tích cây cao su trên địa bàn.
Đối với diện tích đất trồng cây hàng năm tập trung vào phát triển sản xuất lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên.
Thứ 2 là du lịch. Ở tỉnh Điện Biên có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đó là chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận "Lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu". Với cái bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em với nhiều danh lam thắng cảnh khác, tỉnh Điện Biên tập trung thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng lợi thế này dựa trên ba trụ cột của du lịch.
Đó là du lịch lịch sử tâm linh, du lịch sinh thái và bản sắc văn hóa sưu tập, du lịch nghỉ dưỡng gắn với danh lam thắng cảnh của địa phương.
Thứ 3 là về năng lượng với nguồn thủy năng tương đối lớn và đặc biệt với nguồn năng lượng gió. Tỉnh Điện Biên đang đề nghị với Chính phủ tiếp tục cho địa phương được bổ sung vào quy hoạch về điện gió, về thủy điện và điện tích năng để khai thác tiềm năng này phục vụ cho phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Một yếu tố hết sức quan trọng đối với tỉnh Điện Biên, đó là vị trí địa kinh tế với lợi thế nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và có đường bay Điện Biên với Hà Nội và một số địa phương khác. Hiện sân bay Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Do đó, Điện Biên từng bước khai thác vị trí địa kinh tế này để đưa tỉnh trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc. Đây là một lợi thế rất lớn, nó sẽ tác động lan tỏa đến khai thác các tiềm năng khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!