Trước thực tế này, vaccine có tính chất quyết định và là chiến lược lâu dài trong phòng, chống dịch nói chung cũng như trong phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng. Vì vậy, vaccine phải nằm trong chiến lược tổng thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine để vừa chủ động trong phòng, chống dịch vừa tiết kiệm ngân sách Nhà nước cả trước mắt và lâu dài.
Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19
Trước thực tế dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, triển khai nghiên cứu và sản xuất vaccine trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030... Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chiến lược vaccine cần thực hiện đồng bộ từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước đến việc tổ chức, triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Trước đó, từ khi dịch COVID-19, xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nói chung và đặc biệt là vaccine phòng COVID-19 nói riêng. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với các đơn vị, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine trong tình trạng an toàn, nhanh nhất và hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, các đơn vị tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 tiếp tục triển khai việc thử nghiệm và từng bước hoàn thành việc thử nghiệm lâm sàng để tiến hành đưa vào tiêm chủng đại trà trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine vừa là sản phẩm xã hội vừa là sản phẩm thương mại nên chiến lược, kế hoạch, chính sách phải phù hợp với tính chất xã hội, tính chất thương mại. Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khó lường cần ưu tiên cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine và ứng dụng khoa học công nghệ trong y tế góp phần phát triển công nghiệp dược. Phát triển công nghiệp dược làm nền tảng cho phát triển vaccine, đáp ứng yêu cầu tích cực chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng Chiến lược, Chương trình Quốc gia để nghiên cứu sản xuất, chuyển giao công nghệ vaccine, đặc biệt là vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan đề xuất ban hành và ban hành ngay các cơ chế, chính sách ưu tiên trong hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách trên tinh thần bám sát thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine. Bên cạnh đó, thúc đẩy các giải pháp, huy động nguồn lực tài chính, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó chú trọng giải pháp hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa, hiệu quả giữa lợi ích 3 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp.
Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong y tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Chương trình quốc gia về vaccine nói chung, trong đó đặc biệt chú ý nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19. Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ việc nghiên cứu vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất và cơ chế thông thoáng về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế; chủ trì, triển khai nghiên cứu và sản xuất vaccine trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ sản xuất vaccine; phối hợp với Bộ Y tế trong xây dựng Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, Trung tâm thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng.
Ngoài việc ưu tiên cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine để phòng dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế. Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao - Vibot” do Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) hoàn thành và đưa vào ứng dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam) để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19. Các chức năng chính của Vibot là thay thế nhân viên y tế để vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh; vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và vận chuyển ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.
Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc viên nén Paracetamol 500 mg giải phóng nhanh” do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) vừa được nghiệm thu. Nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công viên nén paracetamol giải phóng nhanh ở quy mô công nghiệp với sản lượng 300.000 viên/lô.
Các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y đã làm chủ được những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại về phân lập nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là một trong những đề tài đầu tiên ứng dụng tế bào gốc để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mở ra hướng điều trị mới, mang lại giá trị và niềm tin cho người bệnh và xã hội.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tách chiết thành công lycopen từ màng hạt gấc. Lycopen là một dạng sắc tố tự nhiên màu đỏ tươi có trong thực vật và một số loài sinh vật quang hợp khác, có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ phòng chống ung thư. Hoạt chất này được tìm thấy trong nhiều loại rau quả có màu đỏ như cà chua, đu đủ, nhưng ở màng gấc cao gấp 70 lần. Vì vậy, từ màng gấc khô, nhóm nghiên cứu sử dụng các dung môi hữu cơ tạo dịch chiết rồi cô đặc để tinh chế lycopen bằng dung môi ethanol. Để cơ thể dễ hấp thụ lycopen, nhóm nghiên cứu đã bào chế hợp chất dạng tinh khiết thành hợp chất với kích thước hạt dưới 100 nanomet và dễ dàng triển khai ở quy mô công nghiệp. Hơn nữa, sản phẩm lycopen thu được ở dạng bột mịn dễ dàng bào chế thuốc, ứng dụng cho các ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng.