Ứng phó với cơn bão số 16: Thực hiện phương châm "4 tại chỗ"

Các tỉnh phía Nam khẩn trương thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với cơn bão số 16.

Đưa tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản nhanh vào nơi tránh, trú an toàn. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Trà Vinh: Toàn bộ hơn 1.200 tàu cá đã vào nơi neo đậu an toàn

Ngày 24/12, ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 16 tại các địa phương trong tỉnh.

Tại các nơi đến, Phó Chủ tịch tỉnh Trà Vinh  Kim Ngọc Thái chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo trong chiều 24/12, tất cả người dân đều được di dời đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an, các sở, ngành, UBND các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống bão;  hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, hệ thống lưới điện thông tin cơ sở, chặt tỉa cành cây… Phân công cán bộ trực 24/24 để thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của bão nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương dọc theo tuyến ven biển kêu gọi nhanh tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi tránh trú bão, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến tránh trú bão; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời giải quyết các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Sơ tán người dân ở các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), An Phú Tân (huyện Cầu Kè), xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải)... đến nơi an toàn. Bảo vệ  khu vực lồng bè nuôi thuỷ sản trên biển và đất liền của người dân; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. UBND tỉnh Trà Vinh đã thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26/12 để đảm bảo an toàn.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, lực lượng biên phòng tỉnh đang kiểm soát và nghiêm cấm các tàu ra khơi. Toàn bộ hơn 1.200 tàu cá với gần 5.000 ngư dân của tỉnh Trà Vinh hiện đã vào bến neo đậu an toàn; riêng 7 tàu với 52 ngư dân đang hoạt động trên biển hiện ở vùng biển Bắc Bộ - khu vực không ảnh hưởng bão.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Lên phương án chi tiết sơ tán 66.955 người dân

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để ứng phó với cơn bão số 16, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo trực tiếp đến các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương án di dời người dân ra khỏi khu vực xung yếu của bão. Toàn bộ việc chằng chống nhà cửa, khơi thông cống rãnh, cắt tỉa cây xanh đều được các địa phương khẩn trương triển khai và được các địa phương thực hiện rất khẩn trương.

Tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng sẵn sàng thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" và đặc biệt chú trọng chỉ đạo cho UBND huyện Côn Đảo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện lên phương án sẵn sàng ứng phó khi bão xảy ra, vì theo dự báo huyện Côn Đảo là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp khi cơn bão số 16 đổ bộ vào Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện công tác di dời dân và các công tác phòng chống ứng phó với bão tại Côn đảo đã được triển khai ráo riết.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm chiều 24/12, các địa phương đã tiến hành rà soát toàn bộ các khu vực xung yếu, các vùng có nguy cơ cao, lên phương án chi tiết về việc sơ tán với tổng số 166.955 người. Tính đến 13h ngày 24/12, huyện Côn Đảo đang tập trung triển khai sơ tán với 2.381 người, trong đó có 500 dân, 201 khách du lịch và 1.680 ngư dân.

Trên đất liền, tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng sơ tán vào sáng 25/12 theo kế hoạch. Tỉnh cũng đã lên phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, bố trí người trực 24/24 để xử lý kịp thời. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước đang thực hiện xả lũ chủ động giảm nước phòng khi có mưa lớn.

Khối lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản đã gia cố 452 lồng bè, dự kiến 2185 người phải di dời từ sáng 24/12. Đến 21h tối 24/12, sẽ cưỡng chế những người còn lại trên lồng bè vào khu vực tránh trú an toàn.

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 16, các giàn khoan khai thác dầu khí trên biển cũng bắt đầu sơ tán người từ sáng 24/12. Ban Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã quyết định dừng giàn BK.TNG, dừng vận chuyển dầu, khí; thực hiện các biện pháp an toàn như: Bảo tồn giếng khoan và giếng đang sửa chữa, đóng giếng khai thác; dừng toàn bộ các giàn cố định, giàn công nghệ Trung tâm mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, tiến hành bơm rửa các đường ống dẫn dầu, xả áp suất trong các đường ống dẫn khí...

Tổng Công ty thăm dò dầu khí đã tiến hành cho sơ tán 60 người đang làm việc tại các dự án, mỏ trên Biển Đông để tránh bão. Số người còn lại sẽ tùy tình hình thời tiết thực tế để tiếp tục sơ tán người. Các dự án khác cũng triển khai sơ tán người vào ngày 24/12 bằng máy bay và tàu. Các kỹ sư trước khi rời giàn đều kiểm tra tất cả các công việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống khai thác, hạn chế xảy ra sự cố để sau khi trở lại giàn sẽ phục hồi sản xuất nhanh chóng.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến 13h ngày 24/12, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ là 5.143 tàu/25629 ngư dân, số tàu neo đậu tại bến là 4.546 tàu/20404 ngư dân, tàu trong tỉnh neo đậu tại tỉnh khác là 597 tàu/4225 ngư dân. Số tàu hoạt động trên biển là 584 tàu/3454 ngư dân hoạt động ngoài vùng nguy hiểm, 27 tàu/172 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm nhưng các tàu đang trên đường chạy vào các khu tránh trú tại các đảo của Trường Sa, huyện Côn Đảo và các tỉnh miền Tây và đều giữ được liên lạc với tất cả các tàu. Tổng số tàu/phương tiện của các tỉnh khác neo đậu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 1479 tàu/11152 ngư dân.

Đến thời điểm 13h30 ngày 24/12, tại huyện Côn Đảo, tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào bờ là 645 tàu/4.383 ngư dân. Trong đó, số tàu neo đậu của tỉnh là 215 tàu/1348 ngư dân, tàu neo đậu của tỉnh khác là 430 tàu/3035 ngư dân.

Chiều 24/12, tại Cảng Vụ Hàng hải Vũng Tàu, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp rà soát lại tình hình, kế hoạch ứng phó bão  số 16 – Tembin tại khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết hiện tại có tàu Vietsun Pacific bị sự cố chết máy trên đường di chuyển, tàu Xin Hai Sheng 17 bị sự cố rối neo, xà lan Phú Mỹ 3 bị lật rơi container, đã nhặt về 15 container và xác định vị trí cụ thể của 3 container còn lại. Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã có kế hoạch khắc phục, hỗ trợ cho 03 trường hợp trên. Bên cạnh đó, Cảng vụ  đã huy động 22 tàu lai sẵn sàng để hỗ trợ các phương tiện.

Ngoài Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, các đơn vị khác đóng trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu như Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam, Hoa tiêu, Trung tâm Phối hợp và Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III… báo cáo về kế hoạch và tình hình thực tiễn trong việc phòng chống ảnh hưởng của cơn bão Tembin, kiểm tra các số liệu thực tế về tàu bè neo đậu trong các khu vực Côn Đảo, Gành Rái, Sông Dinh….

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng liên hệ trực tiếp với tàu Xin Hai Sheng, hỏi thăm tình hình cụ thể, động viên và yêu cầu tàu liên hệ trực tiếp với thuyền trưởng tàu lai dắt để tìm biện pháp thích hợp nhất khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn cho thuyền viên và tài sản. Đồng thời chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu phải phối hợp, tìm biện pháp hướng dẫn tàu Xin Hai Sheng vào nơi tránh bão an toàn hoặc đi dời thuyền viên vào bờ, nhất định không để xảy ra thiệt hại về người, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ cho tàu Vietsun Pacific khắc phục để có thể tiếp tục hành trình hoặc vào khu an toàn.

Cục trưởng đề nghị các đơn vị phải lường trước được tình huống có thể xảy ra, không những ứng phó phòng chống trước bão mà còn phải hỗ trợ khắc phục sau bão cho các phương tiện gặp sự cố trên biển. Các đơn vị chủ động phối hợp, bố trí sơ đồ các phương tiện ứng cứu phù hợp với tình hình thực tế. Phải nắm chắc các khu vực neo đậu bảo đảm an toàn. Rà soát lại các phao báo hiệu, đèn tín hiệu, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị dự phòng để thay thế kịp thời trong trường hợp hư hỏng. Tăng cường hoạt động các bộ phận chức năng để đảm bảo cho công tác phòng chống đạt hiệu quả tốt nhất.

Ngoài các địa phương, các đơn vị quốc phòng cũng đã có phương án trực chiến và phòng chống bão số 16 tại đơn vị, sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển. Các kỹ sư đang hoạt động trên các công trình dầu khí ngoài biển cũng đã được trực thăng đón về tránh bão trong điều kiện thời tiết rất xấu. Nhiều hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo dưỡng mỏ cũng đã được tạm dừng để đảm bảo an toàn. Riêng tại khu vực nhà giàn DK1 thời tiết xấu, sóng, gió cấp 8. Các tàu trực cũng đã được lệnh vào nơi tránh trú bão an toàn.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã thành lập hai đoàn kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chống bão như: Tổ chức di chuyển lực lượng, cơ sở vật chất và phương tiện tàu thuyền; tiến hành cắt tỉa cây xanh; gia cố, chằng buộc phòng chống tốc mái, chống lún sụt, chống sập, chống ngập, chống hư hại các công trình doanh trại bảo đảm an toàn cho người và vũ khí, trang bị kỹ thuật...

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai duy trì liên tục hệ thống thông tin liên lạc, các kênh, mạng thông tin theo phương án, bảo đảm tốt cho chỉ huy điều hành lực lượng, liên tục cập nhật và thông báo diễn biến của bão; rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm kịp thời cho tàu thuyền xuất phát nhanh tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các lực lượng tích cực kêu gọi, hướng dẫn ngư dân khẩn trương vào tránh bão. Đến 17 giờ 30, tất cả các lực lượng tàu thuyền đang thực hiện nhiệm vụ trên biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã neo đậu an toàn tại khu neo tránh bão, tổ chức trực canh, trực thông tin liên lạc theo quy định, sử dụng các phương tiện kỹ thuật quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Cà Mau: Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền

Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau Võ Văn Sử cho biết, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ thủ tục xin phép các nước Malaysia, Thái Lan cho phép trú bão Tembin.

Đến chiều 24/12, Cà Mau còn 463 tàu đang hoạt động trên biển. Hiện có 125 tàu có nhu cầu tránh, trú bão chủ yếu ở  nước Malaysia và Thái Lan. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất UBND tỉnh nhanh chóng hỗ trợ về thủ tục pháp lý gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, để sớm được sự hỗ trợ nhân đạo của các nước bạn thông qua con đường ngoại giao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và tàu cá của Cà Mau có được nơi trú bão an toàn.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại người người và tài sản của ngư dân, bộ đội biên phòng đã liên tục thông báo đến ngư dân đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão số 16. Các đồn biên phòng chủ động liên hệ với tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển và kêu gọi chủ tàu, truyền trưởng nhanh chóng di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú bão, neo đậu an toàn. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục thực hiện kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, kiểm tra và hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, duy trì lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hiện, Cà Mau có 57/69 phương tiện có công suất lớn được huy động tham gia vào đội tàu cứu hộ, cứu nạn của tỉnh.

Kiên Giang: Dự kiến đến 12 giờ ngày 25/12 hoàn thành sơ tán, di dời dân

Hiện Kiên Giang có 6.591 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đã về nơi tránh trú bão tại các đảo và cửa biển, cửa sông lớn trên địa bàn như: Xẻo Nhàu, Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, Lình Huỳnh, Vàm Rầy, Ba Hòn, Hà Tiên, Kim Quy… Tuy vậy vẫn còn khoảng 1.200 tàu cá trên biển đang trên đường vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú bão, dự kiến đến 12 giờ ngày 25/12, số tàu cá này vào nơi neo đậu an toàn.

Toàn tỉnh có hơn 213.380 người dân trong diện phải di dời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng khi bão đổ bộ vào địa bàn. Dự kiến đến 12 giờ ngày 25/12 hoàn thành sơ tán, di dời dân theo kế hoạch đến nơi an toàn. Học sinh các cấp học trong tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 25 - 26/12 và công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp nghỉ ngày 26/12. Tỉnh đã cấm biển từ 6 giờ sáng 26/12 đến khi có thông báo mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương triển khai các phương án bảo vệ 150 km đê biển Tây xung yếu; chằng chống chắc chắn, neo chống bão khoảng 2.800 lồng bè nuôi cá trên biển; khoảng 2.200 ha nuôi tôm công nghiệp và 21.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến đã vận động doanh nghiệp, nông dân bồi trúc, gia cố bờ bao vững chắc bảo vệ tôm nuôi, tránh bị vỡ, sạt lở khi tình huống xấu xảy ra, hạn chế thiệt hại.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tập trung toàn lực phòng chống, ứng phó với cơn bão số 16 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; yêu cầu người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão, phân công trực 24/24 giờ. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị ngành chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các địa phương có biển tiếp tục rà soát, kiểm đếm lại chính xác số tàu thuyền hoạt động trên biển, hướng dẫn vào nơi neo đậu an toàn; di dời hoặc chằng chống lồng bè nuôi cá an toàn, không để một người dân nào ở trên tàu thuyền, lồng bè trước khi bão xuất hiện.

Các đơn vị quân đội, công an, biên phòng kết hợp với các đoàn thể tổ chức lực lượng, thành lập tổ, đội hỗ trợ các địa phương sơ tán dân, chằng chống nhà cửa của dân và sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu khi cần thiết, nhất là địa bàn các xã đảo và vùng ven biển. Các địa phương sơ tán dân chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống cho dân, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em; phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ phương tiện xe, tàu, xe cứu thương để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra.

Nhân dân xã Phú Thạch huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) chằng chống nhà cửa chống bão. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tiền Giang: Huy động trên 1.300 thanh niên xung kích bảo vệ đê điều

Tối 24/12, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị xã trong tỉnh nhằm siết chặt các biện pháp khẩn cấp nhằm phòng chống cơn bão số 16, bảo vệ an toàn về tính mạng của nhân dân cũng như giảm nhẹ thiệt hại thiên tai gây ra đối với đời sống, sản xuất.

Do tính chất cấp bách của việc ứng phó cơn bão số 16, tỉnh quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 25/12. Sáng 25/12, Tiền Giang triển khai việc sơ tán bước 1 gần 40.000 dân đang sống ở những vùng bị bão uy hiếp trực tiếp thuộc 4 huyện, thị xã duyên hải phía Đông là Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện cù lao Tân Phú Đông đến nơi an toàn. Dự kiến, toàn bộ công tác sơ tán dân hoàn tất vào trưa 25/12. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão thuộc duyên hải phía Đông cần khẩn trương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân chằng chống 5.000 căn nhà để đảm bảo đủ khả năng đối phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Đến ngày 24/12, tỉnh đã kêu gọi được 1.060 phương tiện đánh bắt với trên 7.200 ngư dân vào bờ an toàn. Vẫn còn 298 phương tiện với gần 2.200 ngư dân trên biển ,trong đó tại khu vực hết sức nguy hiểm thuộc Côn Đảo có 244 phương tiện với trên 1.700 ngư dân. Các cơ quan chức năng phải tiếp tục hướng dẫn các phương tiện khẩn trương vào bờ an toàn trước khi bão đổ bộ.

Tối 24/12, ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, mọi công tác chủ động chuẩn bị đối phó với bão Tempin đã hoàn tất, sẵn sàng ứng phó thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống. Huyện Gò Công Đông có 32 km bờ biển, sẽ là một trong những địa bàn trọng điểm khi bão đổ bộ vào đất liền. Địa phương đã xây dựng phương án sơ tán dân, bảo vệ và hộ đê, bảo vệ các cơ sở vật chất hạ tầng khu vực ven biển cũng như trong đất liền cũng như kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” và “ ba sẵn sàng”.

Theo kế hoạch, trong tình huống khẩn cấp, huyện Gò Công Đông huy động phương tiện sơ tán trên 20.000 dân sinh sống khu vực bị ảnh hưởng bão đến nơi tránh trú an toàn. Sẽ có 48 phương tiện vận tại phục vụ nhu cầu sơ tán dân tránh bão. Mặt khác, huy động trên 1.300 thanh niên xung kích để hộ đê, bảo vệ đê điều, đặc biệt là tuyến đê biển xung yếu. Lực lượng này sẽ được trang bị phương tiện bảo hộ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, địa phương đã kêu gọi được 100% phương tiện đánh bắt trên biển cũng như ngư dân giữ nghêu, giữ đáy sông cầu vào bờ để lánh nạn đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường đi, diễn biến của bão cùng khuyến cáo nhân dân áp dụng những biện pháp đối phó phù hợp và hiệu quả.

Vĩnh Long: Học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25-26/12

Chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cùng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện để bàn phương án ứng phó cơn bão số 16 (có tên gọi quốc tế là Tembin). 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón yêu cầu cơ quan chức năng phải chuẩn bị đầy đủ mọi phương án ứng phó bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phải tổ chức trực 24/24, bắt đầu từ 7 giờ ngày 24/12 đến khi bão tan; chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tập trung các khu dân cư, ven sông, trên cù lao có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường; kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các sở, ban ngành tăng cường các trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành thông suốt các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; kiểm tra rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các trọng điểm sạt lở bờ sông xung yếu, các công trình thi công chống ngập đô thị; thực hiện việc chằng chống nhà cửa, hệ thống lưới điện; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, khu lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Ngoài ra, các địa phương phải lên phương án đối phó tình huống bão kết hợp triều cường và phải đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”.

Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh có công văn khẩn gửi đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học cơ sở, Trung học cơ sở-Trung học phổ thông, các đơn vị trực thuộc sở, các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên về việc cho học sinh nghỉ học trong thời gian ứng phó với cơn bão số 16.

Theo đó, công văn thông yêu cầu toàn thể học sinh, học viên và sinh viên nghỉ học từ ngày 25/12-26/12. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên và học sinh các biện pháp chuẩn bị, phòng tránh bão an toàn; các trường chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học, hồ sơ, sổ sách; nắm chắc thông tin các phòng học không kiên cố, không an toàn, đang xuống cấp để có phương án bố trí, sắp xếp di dời và ứng phó kịp thời. 

Công văn cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức trực ban 24/24 giờ, từ 14g ngày 24/12 cho đến khi bão đi qua; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cột chống sét; có kế hoạch chằng chống đảm bảo an toàn; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và phối hợp chặt chẽ với cơ quan địa phương để phòng tránh, xử lý và khắc phục kịp thời các sự cố thiên tai.

PV TTXVN tại các địa phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cảnh giác bão lớn kèm triều cường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cảnh giác bão lớn kèm triều cường

Chiều 24/12, tại Hà Nội, chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 16 (Tembin), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cần cảnh giác bão lớn kèm triều cường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN