Đây là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào chiều 16/11.
Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; đồng thời tập trung thực hiện giải pháp “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và trong các cơ quan nhà nước”. Thực hiện thắng lợi đột phá này sẽ góp phần quan trọng đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp.
Theo ông Đỗ Ngọc An, thực tế hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có những phát triển mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn không ít những tồn tại thể hiện ở một số điểm như: Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính đồng bộ. Việc quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu, một số quy định pháp luật chưa phù hợp...
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, làm rõ các thách thức để phát triển hạ tầng số an toàn, tin cậy, tạo niềm tin cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, từ đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.