Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, nhằm tôn vinh trọn vẹn ba thế hệ dòng tộc đã có những đóng góp to lớn cho đất nước, gần 2 thập kỷ qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dòng tộc Nguyễn Quý luôn thực hiện nghĩa vụ tinh thần là giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc, dòng tộc và tôn vinh những danh nhân đất nước.
Năm 2002, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm và trao tặng tượng đồng cụ Nguyễn Quý Đức là thân sinh cụ Nguyễn Quý Ân và năm 2016 tổ chức lễ tưởng niệm cụ Nguyễn Quý Kính là con trai cụ Nguyễn Quý Ân đã có những đóng góp to lớn cho triều đình.
Dòng họ Nguyễn Quý là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan và đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nho, danh thần một thời.
Cả ba cha con ông cháu gồm: Cha là Nguyễn Quý Đức (1648 -1720) đỗ Thám hoa khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh trị thứ nhất (1676), con là Nguyễn Quý Ân (1673 – 1722) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) và cháu là Nguyễn Quý Kính (1693 – 1766) đỗ Hương cống làm đến Tham tụng, Thượng thư bộ Lễ, đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Quý, danh nhân Nguyễn Quý Ân là con trưởng của Thám hoa Nguyễn Quý Đức, cháu Đô đài ngự sử Nguyễn Quý Cường, chắt Tả lễ công Phúc Thắng, là một trong ba danh nhân thuộc dòng họ khoa bảng Nguyễn Quý nổi tiếng triều Lê Trung Hưng, trong đó cả ba đời đều giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình.
Ông vốn là người thông minh, khi mới sinh ra thiên tư tài mạo, đĩnh ngộ khác thường. Hơn 6 tuổi đã thông hiểu luật làm thơ, người đời ai cũng khen là tài tử. Năm 17 tuổi (1690) đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 15, thân sinh ra ông là vị Thám hoa phụng mệnh triều đình sung chức Chánh sứ sang sứ Tàu, bèn cho ông đến học quan Thám hoa họ Chu, người xã Bật Ninh, huyện Yên Dũng, là bậc văn chương mô phạm nhất lúc bấy giờ. Chưa đầy nửa năm học tập chuyên cần, ông đã nghĩa sách thuộc làu, nổi tiếng là bậc danh sĩ.
Đến năm 20 tuổi (1693), ông Nguyễn Quý Ân ứng thi và đỗ đứng thứ tư trên bảng vàng. Năm 24 tuổi (1697) ông tiếp tục thi Hội trúng tam tràng, tiếp kì thi khoa Sĩ vọng được trúng thứ nhì, tuyển vào hàng Nội thị Văn chức. Sau một năm (1698), ông nhậm chức Hồng lô tự thừa.
Mùa xuân năm Quý Mùi (1703) niên hiệu Vĩnh Trị thứ 28, ông lại thi Hội, trúng Tam tràng, được tuyển vào Nội yết phiên cung. Đến năm Bính Tuất (1706) thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2, ông nhậm chức Thông chánh sứ, ty thông chánh thừa ở tuổi 33.
Với nhiều công trạng liên tiếp, năm 42 tuổi (1715), ông là một trong hai người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) không có thí sinh trúng hàng Đệ nhất giáp. Triều đình đặc ơn ban một thớt voi đã thuần phục, với hai cỗ ngựa, mũ áo cờ biển, vinh quy bái tổ.
Năm Nhâm Dần (1722), vừa đoạn tang thân phụ Thám hoa Đại Vương thì không lâu sau ngài thụ bệnh và mất hưởng thọ 49 tuổi. Con trai ông là Nguyễn Quý Kính, đỗ Hương cống, được phong chức Tham tụng (Tể tướng), Thượng thư Bộ Lại, tước Kính Quận công.
Các ông khi mất đều được triều đình phong Đạo Vương và Phúc Thần, các làng thuộc Tổng Đại Mỗ đều thờ làm Thành hoàng. Từ đường thờ các ông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1986. Trong cuộc đời có nhiều công lao và đóng góp cho đất nước, ông được triều đình tấn phong là Hoàng giáp quốc sư đại vương thượng đẳng phúc thần.
Những cống hiến trọn đời cho dân cho nước, tam vị đại vương dòng họ Nguyễn Quý đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp cao cả đáng trân trọng, bao thế hệ con cháu tôn vinh và kính ngưỡng, danh thơm người đã trở thành niềm tin bền vững có sức cống hiến trường tồn, vĩnh cửu.
Nhân dịp này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân cho dòng họ Nguyễn Quý. Tượng đồng được rước từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám về an vị tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở Tổ dân phố Đình, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm.
Tượng đồng do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc. Tượng của danh nhân Nguyễn Quý Ân được đúc nằm trong khuôn khổ cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng.