Từ xóm núi Tràng Dương về số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Tự hào là phóng viên TTXVN

Đầu tháng 11/1966, xóm núi Tràng Dương chộn rộn không khí của những hoạt động chia tay, tiễn biệt 15 sinh viên năm thứ 4 lớp Văn khoa khóa 8 vừa học xong học kỳ 1, được đặc cách tốt nghiệp ra trường, về làm phóng viên VNTTX.

Chú thích ảnh
Đồng môn Tràng Dương gặp nhau tại Hà Nội.

Tất cả anh em đã sẵn sàng cho ngày được đón về cơ quan tại Hà Nội. Trong số 15 người chúng tôi, sinh viên nữ duy nhất là Vũ Kim Hải - học sinh giỏi văn đến từ Hưng Yên. Cánh sinh viên Hà Nội có tôi - Trần Đình Thảo, và Dương Đức Quảng. Cửa ngõ Thủ đô, làng pháo Bình Đà Thanh Oai có Nguyễn Bá Thành. Đến từ Nghệ Tĩnh có Phan Văn Kính, Nguyễn Sĩ Mậu, Đoàn Tử Diễn và Bùi Hoàng Chung.

Anh Chung cứng tuổi nhất, dù là sinh viên “chơn", không phải cán bộ đi học, nhưng lại là đảng viên, trong khi mấy tay Hà Nội chỉ mới vào đoàn trước khi ra trường. Chung vào đại học muộn, anh ở nhà làm ruộng và hoạt động thanh niên, nên sớm trở thành đảng viên ở xã Đức Yên huyện Đức Thọ.

Có tỉnh chỉ có một sinh viên như Vũ Đức Dật (Hải Dương), Vũ Duy Thông (Vĩnh Phúc) và đặc biệt có Đinh Dệ học sinh miền Nam, quê Bình Định… Dệ nung nấu nguyên vọng trở về quê hương... Tất cả chúng tôi đều háo hức chờ nhập cuộc để trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), nay là Thông tấn xã Việt Nam.

Hôm ấy, chị Nguyễn Thị Mùi, cán bộ tổ chức  lên Tràng Dương đón chúng tôi về số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), lúc ấy nơi đây còn là một tòa biệt thự cổ từ thời Pháp. Xuống xe, chị Mùi phổ biến, các anh chị về nghỉ ngơi một ngày. Ai không có gia đình tại Hà Nội sẽ ở tạm nhà khách cơ quan. Ngày kia tập trung học lớp phóng viên khóa 7 ở nơi sơ tán cách đây 30 cây số.

Hóa ra lớp phóng viên khóa 7 có tới hơn 40 anh chị em. Ngoài 15 anh chị em chúng tôi từ khoa Văn Đại học Tổng hợp, còn có Nguyễn Trọng Thanh từ khoa Sử ở xóm Chuối (xã Vạn Thọ). Mọi người đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Người đang làm thày giáo, người là công nhân nhà máy dệt, người là học sinh phổ thông vừa học xong lớp 10. Lại có các giáo sinh sư phạm đang chờ công tác. Lớp có mấy thanh niên xung phong từ Lạng Sơn buông cuốc xẻng mở đường về học cầm bút, cầm máy ảnh làm nhà báo. Sát ngày khai giảng còn có cả chục anh chị lớn tuổi đang là biên tập viên ở các Ban Thế giới, Đối ngoại của cơ quan VNTTX về học theo kiểu hàm thụ.

Trước khi học nghiệp vụ báo chí, chúng tôi học  những lý luận cơ bản như chính trị kinh tế, triết học, lịch sử Đảng và các nghị quyết mới của Đảng, do các giảng viên kiêm nhiệm dạy. Phần nghiệp vụ thì do các thầy là các nhà báo kỳ cựu giảng dạy.

Hơn 55 năm rồi tôi vẫn hình dung những buổi học do các nhà báo Đào Tùng, Đỗ Phượng, Hoàng Tư Trai, Lê Bá Thuyên, Trần Hữu Năng… đứng lớp. Đặc biệt là thầy Mạnh Hào với khẩu khí và kiến thức uyên bác, cách diễn giải hút hồn chúng tôi trong ngôi đinh làng Cấn Hữu. Sau này mới biết thầy Hào có dòng dõi danh gia vọng tộc ở Huế, sớm giác ngộ đi theo cách mạng, cải họ từ Tôn Thất sang họ Nguyễn. Ông là nhà sư phạm báo chí chuyên nghiệp nổi tiếng tứ những năm 1960 , tác giả của các bộ giáo trình tin tức báo chí cách mạng đầu tiên ở nước ta.

Học nghiệp vụ ở nơi sơ tán, chúng tôi cũng phải đào hầm hào, rồi làm công tác dân vận với thanh niên và thiếu nhi địa phương. Thời chiến, trai làng đi lính vãn cả rôi, làng xã chỉ còn các thanh nữ nói ríu rít như chim vì thói quen phát âm bỏ dấu huyền. Nhà ăn thì do ông Luân, Hoa kiều vui tính, giỏi xoay xở, phụ trách, nên suất cơm chỉ 3 hào vẫn ngon hơn hẳn cơm sinh viên nơi sơ tán.

Năm 1967, lớp phóng viên Khóa 7 sắp kết thúc và chúng tôi lại một lần nữa chộn rộn vì mối quan tâm sẽ được cử đi đâu, làm gì? 

Đinh Dệ được đi B ngay sau khi cưới vợ là một bạn chung lớp, quê Nam Định. Đinh Dệ lên đường trong một buổi tiễn đưa đầy nước mắt. Dệ vào Trung Trung bộ làm phóng viên TTX Giải phóng và hy sinh trong một trận càn dữ dội. Đồng đội không thể tìm được thi thể, đành đắp cho anh một mộ gió. Ở phòng truyền thống TTXVN, chân dung Liệt sĩ - Nhà báo - Phóng viên VNTTX - đồng môn Đinh Dệ được đặt ở vị trí trang trọng.

Lâu quá rồi, tôi cũng không nhớ nổi 15 anh chị em đến từ Tràng Dương được cơ quan cử đi những đâu. Chỉ nhớ tôi đi Hòa Binh, Kim Hải về Hải Phòng, Vũ Duy Thông đi Thái Nguyên rồi ra Quảng Ninh. Dương Đức Quảng, Lại Văn Thanh, Chu Chí Thành đi Khu 4. Sau đó không lâu, Dương Đức Quảng, Bùi Hoàng Chung, Phan Văn Kính, Đoàn Tử Diễn đi B vào khu 5.

Chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Sĩ Mậu được đi Cuba học và khi trở về, anh gác cây bút và chiếc máy ảnh để cầm viên phấn lên bục dạy Văn học Mỹ La - tinh ở Đại học sư phạm Vinh. Trương Đức Anh đi Việt Bắc. Sau khi ở chiến trường Trị Thiên ra, Đức Anh được cất nhắc là cán bộ phụ trách đào tạo, tổ chức sau được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc TTXVN.

Nguyễn Bá Thanh đi Thái Bình, vào Đắk Lắk,  rồi về làm chuyên viên theo dõi Phân xã miền Trung - Tây Nguyên. Lại Văn Thanh sang Berlin học rồi giải nghệ, làm Phó Văn phòng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế. Vũ Duy Thông đi Thái Nguyên rồi ra Quảng Ninh, vào Hà Tĩnh, rồi về Tổng xã làm tin công thương, rồi sang Campuchia, sau đó chuyển về Liên hiệp các Hội VHNT làm báo Diễn đàn Văn nghệ. Sau khi có bằng Tiến sĩ mỹ học, Thông về Ban Tuyên giáo TW…

Đoàn Tử Diễn ở B ra, về làm Báo Ảnh, sang Moscow làm chuyên gia, về lại báo Ảnh và sau đó làm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tấn.

Với Hoàng Văn Chu lại có diễn biến khác. Anh sớm chuyển sang nghiên cứu, học hỏi để hành nghề diện chẩn chữa bệnh không dùng thuốc. 

Tôi ở Hòa Bình 2 năm rồi về Nam Hà và trở lại cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội vào đúng ngày 16/4, khi không quân Mỹ trở lại đánh phá Hà Nội. Sau đó, tôi rời phân xã Hà Nội về Tổng xã làm tin công thương của Ban Tin trong nước. Cuối năm 1988, tôi lên Sơn La giúp các phóng viên mới được cơ quan tuyển dụng theo lời căn dặn của Trưởng ban Lam Thanh: "Anh em thành nghề cậu sẽ về Hà Nội". Y hẹn, năm 1990, tôi về làm phó rồi làm Trưởng cơ quan Thường trú TTXVN tại Hà Nội.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thương tâm ở Hà Nội đã làm thương vong hai Phó Tổng biên tập báo Tuần Tin tức: Anh Lê Đình Khuyến mất tại chỗ và Trần Mai Hạnh bị thương rất nặng. Ngay sau đó, Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng gọi tôi về giao làm Phó Tổng biên tập thường trực báo Tuần Tin tức. Sang năm 1993, tôi đang làm Tuần Tin tức lại được thuyên chuyển công tác. Một lần nữa, đích thân Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng gọi đến giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy để xuất bản hai tờ Tuần báo đối ngoại là tờ Le Courrier du Viêt Nam (tiếng Pháp) và Việt Nam Courier (tiếng Anh). Tôi trình đề cương xuất bản hai tờ báo "tiếng Tây" này. Được chấp thuận, tôi yên tâm tổ chức lực lượng phóng viên biên tập nội dung tiếng Việt cho hai tờ báo. Đó là các bạn Nguyễn Kim Điệp, Vương Thanh Tài, Đỗ Hoàng Yến, Đoàn Khánh Vân, Trương Hội Hằng, Nguyễn Thị Tân… Ở TP Hồ Chí Minh cũng có bộ máy đại diện đủ khả năng in ấn, phát hành mỗi thứ 6 hàng tuần. 

Vài năm sau, khi hợp nhất Việt Nam Courier với Việt Nam News, tự xét thấy mình không thể làm báo tiếng Tây được nữa, tôi xin lãnh đạo cho trở lại Tin trong nước và được chấp thuận. Tôi về làm Phó trưởng ban Ban Biên tập Tin trong nước cho đến khi nghỉ hưu. Thời kỳ này, tôi cùng Trưởng ban Vũ Kim Hải tổ chức được trang tin trong giờ phát riêng cho Đài Tiếng nói Việt Nam dùng trong bản tin 12 giờ, 18 giờ và 21 giờ hàng ngày với mào đầu: Theo tin của Phóng viên TTXVN tại… trên địa bàn vừa xảy ra sự kiện…

Hồi đó chưa có internet nên toàn dùng điện thoại a lô báo tin tức về Ban Biên tập Tin trong nước. Tuy thô sơ nhưng hiệu quả cực kỳ cao. Anh em ở các địa phương mê lắm vì nhờ đó mà “Tỉnh ủy biết mặt, Ủy ban biết tên, Cơ sở biết tiếng, Chuyên gia thích mê”...

55 năm rồi, 15 anh chị em từ xóm núi Tràng Dương về số 5 Lý Thường Kiệt nay chỉ còn 9 người, đều đã U80. Ai cũng có bệnh nền, sức khỏe giảm sút, gặp nhau khó khăn, nhưng vẫn hoài niệm về một thời đáng nhớ...

 

Trần Đình Thảo
Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá cao đóng góp của các thế hệ phóng viên TTXVN
Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá cao đóng góp của các thế hệ phóng viên TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 21/6, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh đã dẫn đầu đoàn đại biểu gồm đại diện đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh đến thăm và chúc mừng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Algiers.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN