Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, mục đích của cuộc tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Kết quả điều tra còn cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay. Cuộc tổng điều tra gần đây nhất được thực hiện vào ngày 1/4/2009, cách đây tròn 10 năm.
Lần này, thời điểm điều tra được tính từ 0 giờ ngày 1/4/2019. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 1/4 và kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019.
Đối tượng của cuộc Tổng điều tra bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ Việt Nam tính đến thời điểm điều tra, người Việt Nam được phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư đã xảy ra từ ngày 16/2/2018 (tức ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018) đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.
Những người lang thang, cơ nhỡ và những người sống bằng nghề trên mặt nước, không có nhà trên bờ đang có mặt trên phạm vi xã, phường, thị trấn cũng thuộc đối tượng điều tra trong ngày điều tra đầu tiên (1/4).
Các nội dung chính được điều tra, thống kê, bao gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh - chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Tổng điều tra thực hiện hai phương pháp thu thập thông tin là phỏng vấn trực tiếp và các hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra: tongdieutradanso.vn.
Kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 7 năm nay. Kết quả điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào quý II năm 2020, báo cáo phân tích chuyên đề sẽ được công bố vào quý IV cùng năm.
“Kết quả của Tổng điều tra không đơn thuần là số liệu thống kê, không chỉ phản ánh số lượng chính xác, khách quan mà phải đánh giá được cả chất lượng dân cư, thực trạng nhà ở hiện nay của cả nước để phục vụ cho các mục tiêu của Tổng điều tra”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tại cuộc họp ngày 13/3 vừa qua để chuẩn bị cho Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).
TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về tổng số hộ và số người được lập bảng kê, tương ứng là 2,5 triệu hộ và 8,9 triệu người; Hà Nội có 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người. Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên Internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%. Trong đó, số hộ đăng ký nhiều nhất là tại 3 thành phố: Hà Nội (13.228 hộ), Đà Nẵng (7.002 hộ) và TP Hồ Chí Minh (27.501 hộ).