Sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, vào 0 giờ ngày 1/4, cả nước sẽ tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Xung quanh việc chuẩn bị cho sự kiện này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Xin ông cho biết, quy mô và ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019?

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất được Tổng cục Thống kê thực hiện theo qui trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc, theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/6/2018 về tổ chức Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ  8 do Tổng cục Thống kê tiến hành.

Những thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ tổng điều tra này có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, vừa là căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Đây cũng là căn cứ để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Bên cạnh đó, khối lượng thông tin thu thập từ cuộc tổng điều tra này sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số, phục vụ cho các mục đích khác của công tác thống kê để hướng tới năm 2029 và về sau sẽ không tiến hành tổng điều tra dân số.

Vậy, việc điều tra được thực hiện trong tổng điều tra lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu là điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi gồm điều tra các thông tin về dân số cơ bản và thông tin về nhà ở của hộ.

Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn và mẫu được tiến hành trên 15% dân số cả nước, với 65 câu hỏi, ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến dân số; lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…

Tổng điều tra năm 2019 sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh - phiếu điện tử. Trong một số trường hợp, điều tra viên có thể sử dụng phiếu giấy để điền thông tin. Hộ tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra.

Đối tượng của cuộc điều tra bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư đã xảy ra từ ngày mùng 1 Tết Âm lịch Mậu Tuất, tức ngày 16/2/2018 theo dương lịch đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.

Những khó khăn và thách thức khi tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gì, thưa ông?

Mặc dù, Tổng cục Thống kê có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các cuộc điều tra, tổng điều tra, song ở mỗi cuộc điều tra, tổng điều tra lại có những tính chất khác biệt về phạm vi, đối tượng, thời điểm, bối cảnh triển khai…

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn tiến hành tổng điều tra. Vì vậy, để có được nguồn thông tin chính xác, đầy đủ, tin cậy phục vụ công tác quản lý, điều hành, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số thực sự là một thách thức lớn.

Tôi cho rằng, thách thức bởi quy mô của tổng điều tra rất lớn, dự kiến lên tới trên 94 triệu dân tại  26 triệu hộ. Địa bàn lại trải rộng khắp cả nước, gồm cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển và phải huy động lực lượng điều tra viên lên tới trên 100.000 người…

Tổng điều tra lần này, Tổng cục Thống kê đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận nhiều lượng truy cập, truyền gửi thông tin cùng một lúc, các bài toán công nghệ phức tạp yêu cầu nguồn nhân lực giỏi, tính ổn định của đường truyền, bảo mật thông tin, đầu tư thiết bị…

Thực tế khó khăn hơn khi tổng điều tra diễn ra trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, dẫn đến việc đáp ứng các nguồn lực để thực hiện tổng điều tra thực sự là bài toán khó.

Vậy những khâu chuẩn bị cho tổng điều tra điều tra dân số và nhà ở lần này đã được thực hiện như thế nào?

Để bắt đầu tiến hành tổng điều tra, Ban chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra đã được thành lập gồm 15 thành viên do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Ban chỉ đạo các cấp cũng được nhanh chóng thành lập gồm 63/63 ban chỉ đạo cấp tỉnh, 712/713 ban chỉ đạo cấp huyện và 11.165/11.166 ban chỉ đạo cấp xã.

Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành có liên quan. Theo phương án, có 3 Bộ triển khai điều tra theo kế hoạch riêng là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Công tác phối hợp, kết hợp giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ trong công tác rà soát bảng kê, tập huấn, công tác hậu cần… rất nhịp nhàng. Tổ Thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo Trung ương luôn sẵn sàng phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo các Bộ. Đến nay, việc chuẩn bị cho tổng điều tra tại các Bộ này đều triển khai theo đúng phương án đã được phê duyệt và cũng đang dần hoàn tất.

Thời điểm thu thập thông tin tổng điều tra đang tới gần. Các công tác liên quan đến tổng điều tra như: hoàn thiện thiết kế tổng điều tra, tập huấn, dự trù, phân bổ kinh phí, tuyên truyền, hậu cần…đã  và đang được tích cực triển khai.

Tất cả các khâu chuẩn bị đã sẵn sàng cho thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, cả nước ra quân tiến hành tổng điều tra. Theo phương án, thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 01/4/2019 và kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019.

Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát khâu thu thập thông tin được tăng cường. Tôi tin tưởng rằng, tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền (thực hiện)
Chuẩn bị sẵn sàng ra quân tổng điều tra dân số, nhà ở từ 0h ngày 1/4/2019
Chuẩn bị sẵn sàng ra quân tổng điều tra dân số, nhà ở từ 0h ngày 1/4/2019

Chiều 13/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát, chuẩn bị sẵn sàng ra quân tổng điều tra dân số và nhà ở từ 0h ngày 1/4/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN