TTXVN và mùa xuân đại thắng

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 non sông thu về một mối là chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Là cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chuyển tải kịp thời tin, bài, ảnh về chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN về những ngày tháng lịch sử ấy.


Sự tình cờ may mắn


Năm 1975 là năm “ra quân” có ý nghĩa lịch sử của toàn ngành TTXVN. Điều ấy hẳn đã để lại trong ông những dấu ấn không thể quên?


Đúng vậy, những ngày tháng ba, tháng tư năm 1975 là những ngày tổng động viên toàn ngành và cũng là ngày hội ở số 5 Lý Thường Kiệt. Không chỉ riêng cơ quan mà ngay cả lãnh đạo cấp trên, các cơ quan bạn và bạn bè quốc tế ở Hà Nội luôn có mặt không kể giờ giấc ở trước TTXVN. Tuy nhiên, tôi lại luôn nhớ đến hai điều trong những giờ phút trước ngày 30/4 ấy. Thứ nhất, ngày 28/4, nhận được điện từ sân bay Tân Sơn Nhất, báo tin máy liên lạc buộc phải ngừng hoạt động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mình không còn nguồn tin nhanh nữa. Đây là cú rất nặng với chúng tôi, vì lúc đó chúng ta có hàng chục tổ phóng viên cùng với điện đài đi theo các mũi tiến quân nhưng đều không được phép lên máy vì sợ bị lộ.


 

“Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập”. Ảnh: Trần Mai Hưởng-TTXVN

 

“Trước tiên phải khẳng định rằng, không có người nước ngoài nào có khả năng truyền tin và ảnh ra khỏi Sài Gòn sau ngày 30/4 vì Bưu điện Sài Gòn đã ngừng hoạt động. Duy nhất một phóng viên Đức quen tôi nên nhờ chuyển tin về Đức qua Hãng thông tấn CHDC Đức. Tin bài anh này viết rất tốt, anh em mình dịch sang tiếng Việt, sau đó chuyển đi bằng cả hai thứ tiếng. Tôi nhớ chỉ có một bài báo ấy thôi, không có ảnh. Cho nên nếu nói tin và ảnh của phóng viên nước ngoài từ Sài Gòn đưa ra ngoài trong dịp 30/4 là không có. Nhưng như thế không có nghĩa người ta không chụp được ảnh, người ta không có được tư liệu, chỉ có điều hàng tháng sau họ mới đem về được”.

Điều thứ hai, cũng ngay sau đó một, hai tiếng thôi, tôi nhận được tin qua điện báo, tổ phóng viên mũi nhọn được cử đi từ Huế đã gặp được nguyên Trưởng phòng thông tấn quân sự Trần Bình, lúc đó là Chính ủy Sư đoàn 304 và sẽ đi cùng đội hình của Sư đoàn 304, đơn vị mà sau đó tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Và trong lúc tôi đang ngủ gật ở nhà đồng chí Lê Duẩn thì có người cầm báo đập vào đầu mình: “Dậy, về đi, về nhà mà ngủ!”. Mở mắt thấy đồng chí Lê Duẩn vừa làm việc xong với anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ở trên gác xuống. Anh sôi nổi nói liền một mạch: Tấn (đồng chí Lê Trọng Tấn) đã nắm cánh quân phía Đông và sẽ đánh chính diện. Không lo ngại gì nữa. Minh (Dương Văn Minh) lên hay ai lên cũng mặc. Nhưng chớ quên Ban Bí thư đã giao cho TTX nhiệm vụ nổ pháo báo tin thắng trận khi quân ta vào Dinh Độc Lập. Cánh quân phía Đông chính là Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 và các sư đoàn của Quân khu V. Tôi rất mừng và yên tâm vì biết đích xác tổ phóng viên của mình nằm dưới cờ lệnh của vị tướng nổi danh chiến trận Lê Trọng Tấn.

 

Vậy tổ phóng viên này đã đi như thế nào để theo kịp bước tiến của chiến dịch đang ngày càng gấp rút, thưa ông?


Tổ phóng viên gồm phóng viên ảnh là anh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản (sau này là Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình), về sau có Đinh Quang Thành và phóng viên tin là Trần Mai Hưởng - cậu mà tôi gọi đi cuối cùng, lái xe Ngô Văn Bình, điện báo viên Lê Thái. Lực lượng dự trữ của Tổng xã đến tổ ấy là cuối cùng ném vào chiến trường. Nhưng khi anh em vào đến Huế, lúc ấy Huế đã giải phóng, tôi điện ngay yêu cầu không dừng lại dọc đường, toàn tổ theo các cánh quân đi thẳng về phía X (vào Sài Gòn, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch).


 

Bốn chiến sỹ Binh đoàn Hương Giang cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975 (người cầm cờ là chiến sĩ Bùi Quang Thận). Ảnh: Hứa Kiểm-TTXVN

 

Từ đây, nhóm phóng viên lúc thì đi xe đò, lúc thì đi xe quân sự. Riêng Đinh Quang Thành trên đường vào còn có một thành tích được đánh giá rất cao, đó là đã lấy được bản đồ thành phố Sài Gòn, mà bấy giờ ở Sư đoàn 304 và Quân đoàn 2 vẫn đặt trong phòng triển lãm. Còn có cả hình ảnh các vị chỉ huy Quân đoàn 2 mở tấm bản đồ ra xem.


Nhưng có một sự tình cờ ngẫu nhiên là, đội quân đi sau cùng ấy lại là đội quân gặp Sư đoàn 304, đi theo xe tăng của Lữ đoàn 203, bộ binh là Trung đoàn 66, Phạm Xuân Thệ là Trung đoàn phó. Tổ ấy cũng là tổ đầu tiên vào Sài Gòn.


Đó là một sự may mắn vì khi đó không có một kế hoạch nào cả, trừ việc tôi ra lệnh cứ thẳng đường mà đi. Chỉ duy nhất một người tôi “lệnh” cho dừng lại, đó là anh Lâm Hồng Long. Gia đình Lâm Hồng Long ở Hàm Tân (Phan Thiết), đã mấy chục năm bặt tin nhau, nên để cho anh ấy về thăm gia đình. Và cũng vì thế mà Lâm Hồng Long chụp được bức ảnh nổi tiếng về hai mẹ con gặp nhau ở Vũng Tàu khi bà mẹ nghe tin con trai mình bị tù ở Côn Đảo đã được trao trả.


Những phóng viên đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập


Như ông nói, vì tổ phóng viên này đi cùng Lữ đoàn 203 và Trung đoàn 66 bộ binh của Sư đoàn 304 nên đó cũng là những phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam vào Dinh Độc Lập sáng 30/4?


Đúng là như thế. Phải nửa giờ sau, nhóm của Mai Hạnh, Văn Bảo đi bằng xe máy từ căn cứ (Tây Ninh) cùng các tổ đi theo các mũi khác mới hội nhau về Dinh Độc Lập. Có một điều rất tình cờ, hầu hết phóng viên ở tổ đầu tiên vào Dinh Độc Lập là phóng viên ảnh và ai cũng chụp ảnh xe tăng vào Dinh Độc Lập. Duy nhất Trần Mai Hưởng là phóng viên tin, nhưng anh phóng viên tin này lại là người đầu tiên chụp được ảnh xe tăng Lữ đoàn 203 có bộ binh của Trung đoàn 66 ngồi trên tiến vào Dinh Độc Lập.


Bức ảnh chụp kịp thời, đúng góc độ, đúng ánh sáng, xe tăng ở vị trí đẹp nhất, vừa tới giữa cổng Dinh Độc Lập, phía trên lá cờ tung bay, có mấy anh bộ đội đang ngồi. Mai Hưởng chụp bức ảnh đó bằng máy ảnh Hải Âu của Trung Quốc, lúc đó chỉ có phóng viên ảnh mới được trang bị máy ảnh chuyên dụng, còn phóng viên tin như Mai Hưởng dùng các loại máy không chuyên. Nhưng tất cả là sự may mắn và ngẫu nhiên. Và cũng chính bởi bức ảnh đẹp nên sau này được các báo trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi, trở nên quen thuộc với bạn đọc.


Và vì thế, có ý kiến nói bức ảnh đó được dựng lại hiện trường là không đúng. Trong chiến tranh, chưa bao giờ có chuyện Thông tấn xã dựng lại hiện trường để chụp. Thông tấn xã không bao giờ được phép làm việc đó. Chúng ta có nhiều phóng viên và thực tế ảnh xe tăng vào Dinh Độc Lập nhiều phóng viên chụp. Hơn nữa, những chứng nhân lịch sử còn cả. Anh Phạm Xuân Thệ là người tổ chức cho tổ phóng viên ấy đi cùng Trung đoàn vào Dinh Độc Lập, anh ấy thuộc lòng chuyện đó.

 

Nhưng ảnh của Văn Bảo chụp xe tăng chiếm Dinh Độc Lập mới là bức ảnh được phát đi đầu tiên?


Nhóm của Văn Bảo đến sau nên ảnh chụp sau, nhưng ngay chiều 30/4 được đem về căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh, Tổng Biên tập Đào Tùng đã cho phát bằng vô tuyến truyền ảnh (telephoto) ra Hà Nội. Thế nên sáng 1/5/1975, ảnh đầu tiên xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập mà chúng ta phát trong nước và quốc tế là ảnh của Văn Bảo, dù ảnh mờ do sóng phát yếu. Cùng với ảnh của Văn Bảo, bài tường thuật Sài Gòn giải phóng của Trần Mai Hạnh cũng được phát ra Hà Nội chiều hôm đó. Và sáng 1/5, bài của Trần Mai Hạnh được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam và ngày 2/5 đăng trên báo Nhân Dân.


Tin, ảnh của nhóm Trần Mai Hưởng đưa cho Hoàng Thiểm lấy xe ô tô của Phó Thủ tướng Sài Gòn đi ra Đà Nẵng, sau đó chuyển máy bay từ sân bay Đà Nẵng ra Hà Nội nên tối 1/5 mới ra đến nơi. Chiếc ô tô chở tin, ảnh từ Sài Gòn ra Đà Nẵng về sau đã được đặt trong bảo tàng.


Phóng viên của chúng ta dũng cảm lắm. Tôi cấm anh Lâm Hồng Long và anh em không được lên gác tư ở số 5 Lý Thường Kiệt, lúc đó gác tư là cao nhất, khi máy bay địch đến nhưng không có cậu nào chịu như thế cả. Không có anh phóng viên ảnh nào cất máy ảnh đi chui vào hầm mà đều giành điểm cao để chụp.

Sáng mồng 2/5, ảnh của nhóm này mới in xong. Tôi còn nhớ, khi Hoàng Thiểm đem ra một tệp dầy, chúng tôi in và tráng nhanh thành ba bộ: một bộ tôi đem trực tiếp lên để đồng chí Lê Duẩn xem, một bộ anh em đưa lên Ban Bí thư, một bộ anh em quân đội mang đưa sang Quân ủy (chỗ Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Khi tôi đem ảnh cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, lúc ấy đồng chí chỉ quan tâm đến những ảnh có quần chúng, nhân dân đón nhận chiến thắng và không khí lúc đó ở Sài Gòn như thế nào; chứ không quan tâm nhiều đến ảnh xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập.


Về sau này, kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn, tôi thấy báo chí thế giới, nhất là báo Nhật Bản đăng lại ảnh của Văn Bảo dù ảnh phát telephoto không rõ nét bằng ảnh của Mai Hưởng mang trực tiếp về. Tôi có hỏi bạn: Tại sao chúng tôi có ảnh mới các ông không dùng? Thì chính trưởng phân xã Kyodo của Nhật Bản ở Hà Nội nói: Không. Chúng tôi đã thảo luận với nhau rồi. Lịch sử cần phải được trân trọng. Lúc đó, điều kiện lịch sử chỉ cho phép các ông phát nhanh cái ảnh này. Ảnh của các ông chúng tôi cũng không sửa sang lại mà giữ nguyên như thế để in. Nên dẫu những ảnh sau của các ông đẹp hơn chúng tôi vẫn sử dụng ảnh này. Bởi vì đó là chứng tích lịch sử.


Sự hy sinh to lớn


Và những tác phẩm tin, bài, ảnh phản ánh nhanh nhất sự kiện xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập rồi việc bắt sống toàn bộ nội các Dương Văn Minh, hình ảnh treo cờ ở Dinh Độc Lập, tường thuật Sài Gòn giải phóng… là những tác phẩm mang dấu ấn lịch sử, thể hiện tài năng của những phóng viên TTXVN?


Làm sao khác được. Cứ giở báo ra mà xem. Tài năng thì không biết thế nào, nhưng tinh thần và nghị lực thì rất rõ. Bây giờ các bạn cử đi công tác có khi còn khó khăn, chứ lúc đó phóng viên đòi đi ấy chứ. Tôi thương anh em lắm. Hàng trăm người đi chiến trường, có anh may mắn được làm việc, có nhiều người đã nằm lại chiến trường và có những anh chị phải ở lại trên cứ, nhưng không phóng viên, điện báo viên nào được điều động mà từ chối. Đấy là điều sung sướng nhất của người phụ trách.

 

Nhiều tác phẩm báo chí của phóng viên chiến trường của TTXVN có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, TTXVN đã có gần 260 nhà báo liệt sĩ. Đó cũng chính là truyền thống, nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ phóng viên trẻ sau này, thưa ông?


Tôi nói thế này, tôi gắn bó máu thịt với TTXVN cho đến giờ này không chỉ vì sự nghiệp mà còn vì hàng loạt những phóng viên mình cử đi chiến trường hoặc người khác cử đi. Có những người được cho ở lại, yêu cầu ở lại người ta không ở. Trong đó có một phóng viên nữ, dù cô ấy chưa làm một cái tin nào cả, nhưng chúng tôi đã xác định ngay là liệt sĩ. Cô ấy ở Bắc Thái. Bà mẹ xuống tận đây nói với tôi: Bác để cháu ở lại thì mang tiếng cả gia đình chúng tôi. Là con một, học đại học lúc đó hiếm lắm, nhưng cô ấy đã hy sinh trên đường vào mặt trận. Những ấn tượng này sâu đậm lắm. Cứ nghĩ đến hội trường mà bây giờ đã phá đi rồi ở nhà số 5 (Lý Thường Kiệt) ấy, nơi mà tôi vẫn nói với anh em là, hội trường ấy nhỏ nhưng là nơi ta đã tiễn hàng trăm phóng viên, kỹ thuật viên ra chiến trường.


 

Anh hùng Phạm Xuân Thệ dẫn nội các Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Ảnh: Ngọc Đản-TTXVN

 

Chúng ta hy sinh nhiều quá. Hãy thử nghĩ xem, lúc chúng ta hy sinh nhiều nhất, khoảng hơn 200 liệt sĩ, là lúc chúng ta chỉ có trên 600 cán bộ, nhân viên. Nên khi TTXVN được tặng Huân chương Sao Vàng, lúc đầu dự kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ xuống trao, nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh gọi điện cho tôi nói: Thông tấn xã các cậu hy sinh nhiều quá, như một đơn vị chiến đấu. Tôi sẽ trực tiếp xuống trao Huân chương Sao Vàng. Tôi đã phải xin lỗi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc ấy. Như thế, không phải chỉ mình gắn bó với anh em, với gia đình anh em mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng nghĩ như thế.

 

Xin cảm ơn ông!


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN