Theo bài viết, các biện pháp Việt Nam sử dụng để ứng phó với đại dịch COVID-19 dựa trên kinh nghiệm xử lý dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003. Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc báo cáo sự xuất hiện của ca nhiễm SARS và là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch chỉ sau vài tháng.
Về cơ bản, “công thức” chống dịch của Việt Nam gồm 4 khía cạnh. Thứ nhất, ngay khi nhận thấy nguy cơ dịch sắp ập đến, chính phủ đã hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị cũng như thiết bị y tế trong nước. Nghiên cứu về vaccine được triển khai ngay khi có đủ mẫu và ngành dược Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu ít nhất 4 bộ xét nghiệm COVID-19 và đã xuất khẩu những bộ xét nghiệm từ đầu tháng 4/2020. Các nhà khoa học Việt Nam cũng tự nghiên cứu và đang thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19. Kết quả thử nghiệm ban đầu khả quan.
Thứ hai, Việt Nam áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới trong thời gian ngắn, hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan, lập tức phong tỏa toàn bộ các khu vực phát hiện ca bệnh. Chính phủ cũng tăng các khoản hỗ trợ xã hội, phân phát thực phẩm đến tận nhà cho người dân trong khu phong tỏa.
Thứ ba, nhận thấy một hệ thống truy vết nguồn bệnh hiệu quả là yếu tố quan trọng nhất của “công thức” chống dịch, Việt Nam đã lập tức xây dựng và triển khai một hệ thống truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh một cách tập trung, chính xác và triệt để. Những người nào tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được truy tìm theo 3 cấp độ và tất cả đều được kiểm tra y tế.
Thứ tư, chính quyền cũng tiến hành cách ly triệt để những trường hợp nhiễm bệnh, bất kể tình trạng nặng hay nhẹ. Những trường hợp này ngay lập tức được cách ly để theo dõi và điều trị tại các cơ sở của y tế của nhà nước. Những đối tượng F1 cũng được yêu cầu cách ly.
Theo bài viết, dù Việt Nam vẫn hạn chế nhập cảnh, nhưng ở trong nước, các hoạt động kinh tế và đi lại của người dân vẫn diễn ra bình thường. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành chiến dịch tiếp thị tích cực để quảng bá du lịch trong nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế.