Tình trạng hằn lún mặt đường theo vệt xe chạy đang diễn ra hết sức nghiêm trọng trên nhiều tuyến quốc lộ, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Do đó, ngay trong tháng 7, Bộ GTVT sẽ kiểm định độc lập từng công trình có hiện tượng này để tìm nguyên nhân và truy trách nhiệm cụ thể, nhằm tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”.
Đi tìm nguyên nhân
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các công trình giao thông lớn như: Cầu Bến Thủy, quốc lộ (QL) 5, QL 3 cũ Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Thanh Trì, QL 1... đã xuất hiện nhiều đoạn tuyến bị hư hỏng, nhất là hiện tượng lún võng theo vệt bánh xe, tạo thành những “làn sóng” gồ lên như “sống trâu” ở cả hai bên làn đường.
Nền mặt đường trên nhiều tuyến quốc lộ hình thành những rãnh sâu hàng centimet. |
Đại lộ Thăng Long (một trong những tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam) - tuyến đường cấp I đồng bằng thiết kế cho xe chạy với vận tốc trung bình từ 70 - 120 km/giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các xe không dám chạy vận tốc tối đa cho phép, vì các lái xe sợ phải chịu cảm giác “lên bổng xuống trầm” mỗi khi chuyển làn bởi nhiều đoạn trên tuyến này xuất hiện những “sống trâu”.
Còn theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng lún võng theo vệt bánh xe xảy ra rải rác suốt dọc tuyến QL 1, ở cả 3 miền từ Bắc đến Nam. Trong đó, đoạn bị nặng nhất là khu vực Vinh - Đông Hà; đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế bị khoảng trên 70 km, chiếm 13% chiều dài tuyến; đoạn Đà Nẵng - Khánh Hòa khoảng 90 km, chiếm 15%; đoạn Ninh Thuận - Bình Thuận có khoảng hơn 16 km, chiếm 7%...
Chất lượng nhựa đường không đạt yêu cầu là một trong những nguyên nhân khiến mặt đường bị biến dạng. |
Công trình cầu Bến Thuỷ 2 trên đoạn Vinh - Đông Hà do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) thi công và mới được đưa vào sử dụng chưa được một năm. Tuy nhiên, hiện trên bề mặt cầu đã hình thành những vệt bánh xe sâu khoảng nửa gang tay, tạo thành những rãnh in nguyên hình bánh xe tải. Các lái xe đi qua đây đều lắc đầu ngán ngẩm. Hiện nay, Cienco 4 đang thảm bù các vệt lún trên mặt cầu, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã và đang được các cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên”, trong đó có cả lý do khách quan và chủ quan. Cụ thể: Do nắng nóng, xe quá tải, chất lượng vật liệu không đảm bảo và thi công ẩu. Trao đổi với phóng viên Tin Tức về vấn đề này, lãnh đạo các ban quản lý dự án giao thông đều nhận định: Các công trình xuất hiện hiện tượng này đều đã được các nhà thầu khoan thăm dò để lấy mẫu nhựa đường và ngâm ở các điều kiện khác nhau. Qua phân tích cho thấy, nắng nóng có tác động rất lớn đến độ cứng của mặt nhựa đường. Dưới nắng nóng kéo dài, mặt nhựa đường của nhiều công trình chỉ có thể chịu được tải trọng của những xe bình thường. Nếu các tuyến QL có nhiều xe quá tải hoạt động ngày đêm thì việc sụt lún là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng bất thường và xe quá tải là những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của nhà thầu. Còn nguyên nhân chủ quan, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường gồm: Các nhà thầu thiết kế kết cấu mặt trên cùng của đường quá mềm, chưa chú trọng xem xét điều chỉnh chiều dày kết cấu mặt đường cho phù hợp từng hoàn cảnh cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng nhựa đường chưa đảm bảo và hiện tại chưa có cơ quan nào được giao nhiệm vụ kiểm soát chất lượng nhựa đường nhập khẩu. Chất lượng hỗn hợp bê tông nhựa cũng không phù hợp do khó kiểm soát ngay tại mỏ đá của các địa phương. Thực tế này khiến cho việc đánh giá tiêu chuẩn hỗn hợp bê tông nhựa chỉ mang tính hình thức. Và cuối cùng, tình trạng thi công, nghiệm thu hiện trường rải bê tông nhựa còn sơ sài, tư vấn thiếu kinh nghiệm, không nắm vững quy trình.
Ai làm sai, phải đền!
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết: Nguyên nhân gây ra hiện tượng mặt đường biến dạng chủ yếu là do yếu tố chủ quan. Nếu kết quả kiểm định độc lập chỉ ra chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn của dự án nào để xảy ra hiện tượng này, thì đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ GTVT cũng không loại trừ yếu tố do chất lượng nhựa nhập khẩu không đồng nhất, khả năng chịu nhiệt không phù hợp.
Theo đó, tới đây, ngoài việc yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát kịp thời sửa chữa, khắc phục hiện tượng trên để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT sẽ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành văn bản quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào việc xây dựng công trình, bảo đảm ai sai khâu nào phải chịu trách nhiệm và bỏ tiền làm lại khâu đó. Các dự án sau thời gian đưa vào nghiệm thu xuất hiện hiện tượng này sẽ được phân tích nguyên nhân cụ thể và xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Nếu nhà thầu nào làm sai, thì nhà thầu đó phải làm lại. Cục còn đề nghị Bộ GTVT không tiếp tục cho nhà thầu này thi công các dự án khác. Với chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng vậy, nếu sai sẽ bị đề nghị điều chuyển bớt dự án sang cho đơn vị khác và còn bị quy trách nhiệm rạch ròi.
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai rất nhiều dự án giao thông. Để tránh xảy ra tình trạng trên, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư triển khai các dự án phải đặc biệt chú ý lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát có chất lượng và đã được đánh giá, xếp hạng. Đồng thời, chủ đầu tư phải bố trí riêng một gói thầu kiểm định độc lập để đánh giá chất lượng công trình.