Cũng tại buổi lễ, UNFPA đã công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022: "Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch".
Nhân dịp này, bên lề sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh các nội dung liên quan.
Xin bà cho biết ý kiến của mình về dự án mới được triển khai cùng với Tổng cục Thống kê?
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu phát triển rất nhanh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19 và trong bối cảnh đó, chúng ta rất cần có những dữ liệu có chất lượng để hiểu được tình hình hiện tại, cũng như giúp các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các kế hoạch tốt hơn để giúp quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam sớm trở lại con đường như thời kỳ trước đại dịch và chúng tôi tin rằng dự án này sẽ góp phần vào mục tiêu đó.
Chúng tôi cho rằng, dữ liệu tốt hơn, cuộc sống sẽ tốt hơn và những quốc gia có những tín hiệu tốt, bao giờ cũng có thành tựu mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Bà có thể làm rõ hơn ý nghĩa thông điệp của chủ đề Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm nay?
Chủ đề của Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm nay nhấn mạnh vào một cuộc khủng hoảng đang thầm lặng ở Việt Nam cũng như trên thế giới là tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Theo báo cáo, có gần 50% trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với phụ nữ và trẻ em. Khi mang thai ngoài ý muốn, người phụ nữ không thể theo đuổi những mục tiêu về giáo dục, về việc làm, đồng thời, chuyện mang thai ngoài ý muốn cũng ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống sau này của phụ nữ và trẻ em, cũng như toàn xã hội và cản trở mục tiêu của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo tình trạng dân số thế giới cũng đã chỉ ra tác động của vấn đề mang thai ngoài ý muốn này, đồng thời chỉ ra rằng, dịch COVID-19 và những vấn đề khác làm trầm trọng hơn tình trạng đó. Chính vì thế, đòi hỏi Quỹ Dân số Liên hợp quốc và các cơ quan chức năng Việt Nam cần chung tay để sớm xử lý tình trạng này. Nếu làm được điều đó, sẽ giúp đạt được ba mục tiêu quan trọng của Liên hợp quốc, đó là: không có ca tử vong mẹ nào không thể ngăn ngừa được; không có nhu cầu phòng tránh thai nào không được đáp ứng; và chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực giới.
Bà đánh giá thế nào về hiện trạng của các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, tình dục ở Việt Nam?
Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục của người dân, cũng như hiện trạng tử vong mẹ và kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, hiện Việt Nam không chỉ nên tập trung vào mức trung bình của quốc gia, mà còn tập trung vào những nhóm đặc biệt, những nhóm yếu thế trong dân số. Tôi lấy ví dụ như là các nhóm dân tộc thiểu số hiện nay. Chúng ta biết rằng hiện nay, tình trạng tỷ lệ tử vong mẹ trong nhóm này cao gấp 2 đến 3 lần so với mức trung bình của toàn quốc và đặc biệt là những phụ nữ không được học hành, những nhu cầu tránh thai của họ cũng có rất nhiều trường hợp chưa được đáp ứng và tỷ lệ bị bạo lực về giới, bạo lực gia đình trong nhóm này tương đối cao.
Ngoài ra, thanh niên cũng là những nhóm có thể bị chịu ảnh hưởng nhiều của câu chuyện mang thai ngoài ý muốn. Bởi vì, họ có rất nhiều nhu cầu tránh thai, nhưng không phải chỗ nào nhu cầu đó cũng được đáp ứng. Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có cách nhìn chuyên sâu, đi sâu vào những nhóm đang dễ bị tổn thương, đáp ứng những nhu cầu của họ. Làm được như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ rất vững vàng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!