Trưng bày được thể hiện qua 2 phần “Sắt” và “Son”. Trong đó, “Sắt” là câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam với đức tính cao đẹp, luôn hết lòng chăm lo cho gia đình nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, các mẹ, các chị sẵn sàng động viên chồng con lên đường chiến đấu và trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương.
Với sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên trung, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong chốn lao tù hay hiên ngang đối mặt với quân thù nơi chiến trường ác liệt. Phần trưng bày còn giới thiệu chủ đề “Hoa nơi ngục lửa” với tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt nhưng vẫn giữ vững khí tiết người cách mạng. Đó là tấm gương nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai; chị Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột của chị Nguyễn Thị Minh Khai, cũng là người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu; tấm gương của chị Lê Thị Riêng…Phần này cũng giới thiệu câu chuyện “Lòng vàng, gan sắt” của những người mẹ, người chị, người em trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tham gia đánh giặc bằng “đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam…
Phần trưng bày “Son” được thể hiện qua hai tiểu mục “Tốt gỗ” và “Tốt sơn”. Qua đó, tập trung khắc họa câu chuyện những người phụ nữ nơi hậu phương vừa chăm lo gia đình, nỗ lực sản xuất, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tiếp nối truyền thống, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản định kiến về giới, năng động, sáng tạo, hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới.
Không gian trưng bày được thể hiện qua hai màu sắc chủ đạo là xám và đỏ, phù hợp với hai phần nội dung “Sắt” và “Son”. Trưng bày kéo dài tới hết tháng 5/2022.