Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, một nguyên nhân quyết định là Tổng khởi nghĩa đã nổ ra đúng lúc. Thành công đó là bài học quý về nghệ thuật chọn đúng thời cơ khởi nghĩa. Việc này gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1941, khi về nước, việc đầu tiên Người quan tâm là xây dựng lực lượng cách mạng, vấn đề mấu chốt của công cuộc khởi nghĩa. Người đã cùng với Đảng ta chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các đoàn thể chính trị và Mặt trận Việt Minh. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) do Người chủ trì, quyết định xây dựng lực lượng, để với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, mở đường cho tổng khởi nghĩa.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN |
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng lực lượng để tạo thế cho cách mạng, sẵn sàng hành động khi thời cơ đến, lực lượng và thời cơ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thời cơ khởi nghĩa chỉ xuất hiện trong thời điểm nhất định, rất có lợi cho việc phát huy sức mạnh, giành thắng lợi trong khởi nghĩa. Thời cơ khởi nghĩa xuất hiện rất nhanh và cũng qua đi rất nhanh. Vì vậy, tạo thời cơ, kịp thời nắm bắt thời cơ, hành động đúng thời cơ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giành thắng lợi của khởi nghĩa. Nhưng để chớp được thời cơ, phải dựa trên thực lực cách mạng, nếu không sẽ lại mắc sai lầm của những người cơ hội chỉ nghĩ đến “chớp thời cơ” (những người không tưởng). Với những người như thế, thời cơ sẽ không đến và nếu đến thì họ cũng không thu được kết quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lực và thế có quan hệ chặt chẽ với nhau. Người giải thích dễ hiểu: quả cân chỉ có 1 kg, nhưng ở vào thế lợi thì lực nó tăng lên nhiều, có sức mạnh nhấc bổng được vật nặng hàng trăm ki - lô - gam. Đó là thế thắng lực. Do vậy, có lực chưa đủ mà còn phải tạo thế. Thế trong khởi nghĩa là tổng thể các hoàn cảnh, điều kiện mà mỗi bên tham chiến dựa vào để phát huy sức mạnh của mình. Vì vậy, phải làm cho cách mạng ở vào vị thế có lợi, đẩy địch vào thế bất lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy trong dân tộc ta tinh thần yêu nước mãnh liệt, chí căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng xông lên để cởi ách nô lệ. Người coi cách mạng nước ta là một bộ phận trong mặt trận chống đế quốc, chống phát xít thế giới. Phương pháp tạo thế của người trong thời kỳ này đã làm cho cách mạng nước ta “Kiên quyết không ngừng thế tiến công” còn Nhật - Pháp ngày càng lúng túng, bị động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nắm vững thời cơ khởi nghĩa. Người cho rằng muốn khởi nghĩa thành công phải chọn đúng thời cơ ”Gặp thời một tốt cũng thành công”. Nắm vững thời cơ khởi nghĩa là không khởi nghĩa non (khi chưa có thời cơ) hoặc khởi nghĩa chậm (bỏ lỡ thời cơ). Có như vậy khởi nghĩa mới thành công. Với tư tưởng đó, Người đã hoãn chủ trương khởi nghĩa của liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, dự định vào tháng 10/1944. Người phê phán: Đó là quyết định mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn bộ. Chỉ thị của Người đã giúp cho Cao - Bắc - Lạng giữ được lực lượng trước giờ Tổng khởi nghĩa cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là vị lãnh tụ thiên tài về dự báo thời cơ. Năm 1942, Người đã tiên đoán năm 1945 Việt Nam độc lập. Năm 1944 trong thư gửi đồng bào toàn quốc, Người đã dự báo cơ hội cho dân tộc giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi. Dự báo của Người không những đúng với thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám, mà điều quan trọng hơn là giúp cho Đảng và nhân dân ta chủ động chuẩn bị về mọi mặt, cả trong quá trình khởi nghĩa và khi đã thành công. Thực tiễn các thời kỳ cách mạng chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ nhìn xa thấy rộng, từ hiện tại nghĩ về quá khứ, thấu suốt tương lai.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám còn là thành công của nghệ thuật chớp thời cơ. Từ sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Tổng khởi nghĩa ngay thì chưa chín muồi, chủ trương khởi nghĩa từng phần mà Người dự kiến từ năm 1941 đến đây được thực hiện. Đó là sáng tạo mới về sự kết hợp giữa khởi nghĩa từng phần với cao trào cách mạng của cả nước, đẩy nhanh sự chín muồi cho Tổng khởi nghĩa. Lịch sử cách mạng nước ta ghi nhận rằng: Nhật đầu hàng đồng minh thì cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Tổng khởi nghĩa diễn ra thành công nhanh gọn ít đổ máu. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lượng, trải qua đấu tranh gian khổ suốt 15 năm (1930 - 1945). Thành công đó gắn liền với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, đó là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang, về nghệ thuật nắm vững và chọn thời cơ khởi nghĩa.
Bài học về nghệ thuật xây dựng lực lượng và chọn thời cơ khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà vấn đề nổi bật là tạo thời cơ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mùa xuân 1975. Lịch sử nước ta đã sang giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chọn thời cơ vẫn có ý nghĩa, phương pháp luận hết sức sâu sắc. Đó là phải phát huy mạnh mẽ nội lực mới, giữ vững độc lập tự chủ và đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, đó là nắm vững thời cơ hiện nay, đồng thời ra sức khắc phục những nguy cơ, thách thức. Đó là không ngừng tạo thế, nâng cao uy tín của nước ta trong quá trình hội nhập.
Thanh Nga