Sáng 5/1, tại Đồng Nai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012 cho 546 sinh viên với 226 đề tài.
Trong đó, 26 sinh viên thực hiện 10 đề tài đạt giải Nhất; 37 sinh viên thực hiện 20 đề tài đạt giải Nhì; 157 sinh viên thực hiện 70 đề tài đạt giải Ba và 326 sinh viên thực hiện 126 đề tài đạt giải Khuyến khích.
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố danh sách 10 giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện 10 đề tài đạt giải Nhất; 5 giảng viên thực hiện 5 đề tài đạt giải Nhất; 18 giảng viên thực hiện 18 đề tài đạt giải Nhì; 22 giảng viên thực hiện 22 đề tài đạt giải Ba và 26 giảng viên thực hiện 26 đề tài đạt giải Khuyến khích.
Ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam ” năm 2012 đã nhận được 311 đề tài dành cho sinh viên và 94 đề tài giành cho giáo viên gửi tham gia xét giải. Một số đề tài khoa học của sinh viên được các nhà khoa học đầu ngành đánh giá có tính sáng tạo cao, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống như: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo xe tự hành chuyên chở hành khách” (nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh); “Xây dựng nhóm bài tập nhận thức âm vị cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc” (nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh),… Nhiều đề tài cũng đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề thời sự mà xã hội đang rất quan tâm như: “Quy hoạch không gian biển và khả năng áp dụng trên các vùng biển của Việt Nam” (sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội); “Hoạt động lợi dụng tình hình tranh chấp Biển Đông tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và một số vấn đề đặt ra đối với công tác an ninh” (nhóm sinh viên Học viện An ninh Nhân dân),…
Đặc biệt, Ban tổ chức đánh giá cao nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) vì đã chế tạo thành công máy thiết kế và thi công máy đếm Refill Extruder phục vụ cho nhu cầu sản xuất của công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam. Theo đại diện Plus Việt Nam , việc sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng sản xuất thành công máy đếm Refill Extruder là một điều kỳ diệu, đáp ứng yêu cầu sản xuất mang tính tự động hóa và sản phẩm đạt chất lượng cao. Trước khi đặt hàng sản xuất loại máy này cho sinh viên Lạc Hồng, công ty đã đặt hàng với nhiều đơn vị trong và ngoài nước, nhưng doanh nghiệp vẫn không nhập được công nghệ sản xuất theo yêu cầu, nên phải sử dụng nhiều công nhân, làm ảnh hưởng đến năng suất.
Bên cạnh đó, năm 2012 dù là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam ” dành cho giảng viên trẻ các trường đại học, học viện trong cả nước. Nhưng Ban tổ chức đã nhận được nhiều công trình nghiên cứu có tính mới, đã công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Một số đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn, được ứng dụng hiệu quả tại các địa phương. Điển hình như các đề tài: “Phân tích đặc điểm phân tử các gen HA, NA và M của virus cúm gia cầm H5N1 lưu hành ở miền Bắc Việt Nam ” của giảng viên Trường Đại học Y Thái Bình; đề tài “Phân biệt thịt lợn, gà, bò, dê, cừu bằng kỹ thuật PCR” của giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua hơn 22 năm tổ chức, Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” trước kia và nay là Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” là sân chơi khoa học uy tín nhất của sinh viên hiện nay; giải thưởng tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Hiện hàng năm đã có hàng trăm sinh viên với nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được Bộ vinh danh, khen thưởng. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên trẻ; tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học của sinh viên gắn kết chặt chẽ với hoạt động khoa học và công nghệ của đơn vị; xuất bản tài liệu “Phương pháp nghiên cứu khoa học” giúp sinh viên, giảng viên tiếp cận, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân.
Công Phong