Nội dung làm việc là về tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm khoa học hành chính và vấn đề hợp tác triển khai các khóa bồi dưỡng kỹ năng hành chính, kỹ năng lãnh đạo và quản lý.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trao đổi với Chủ tịch GRIPS Hiroko Ota, ông Trần Anh Tuấn đánh giá cao đóng góp của GRIPS trong việc hợp tác đào tạo và bồi dưỡng hàng trăm cán bộ cấp chiến lược của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều cán bộ các cấp của Việt Nam sau khi học tập tại GRIPS đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương hoặc là chuyên gia tại các viện nghiên cứu, trường đại học lớn của Việt Nam. Ngoài ra, với tư cách là cơ quan nghiên cứu độc lập về khoa học hành chính, lãnh đạo Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam cũng mong muốn cùng với GRIPS triển khai nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, kết hợp với bồi dưỡng kỹ năng hành chính và chia sẻ kinh nghiệm về khoa học hành chính, cũng như thực tiễn quá trình triển khai tại Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, ông Tanaka Hirofumi, Phó Chủ tịch GRIPS đã trình bày chuyên đề khoa học về phân quyền và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương tại Nhật Bản. Trong đó, tập trung làm rõ những đặc điểm cơ bản của hệ thống quản lý của chính quyền tại Nhật Bản, mối quan hệ giữa hội đồng địa phương và người đứng đầu cơ quan hành chính cũng như mối quan hệ giữa chính phủ và các địa phương… Ngoài ra, ông Tanaka cũng trao đổi về kinh nghiệm thực tế triển khai phân quyền, phân cấp ở Nhật Bản như tháo gỡ rào cản về điều hành mang tính can thiệp của trung ương đối với địa phương, tăng cường tính tự chủ của địa phương, giao thêm quyền quyết định biên chế công chức cho địa phương; tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương…
Trong phần trình bày của mình, ông Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện một số chủ trương lớn, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn hợp lý, hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, tập trung sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo; thực hiện phân quyền giữa Trung ương, Chính phủ với chính quyền địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động công vụ và các ngành lĩnh vực khác để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Trần Anh Tuấn cũng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả chủ trương trên, yếu tố con người là vô cùng quan trọng và đóng vai trò trung tâm. Vì vậy, VASA mong muốn thúc đẩy hợp tác với GRIPS từ năm 2025 để triển khai các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng hành chính, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho khu vực công và khu vực tư, qua đó, góp phần tham gia vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Về vấn đề này, Chủ tịch GRIPS Hiroko Ota khẳng định, với truyền thống hợp tác giữa GRIPS với các cơ quan và tổ chức của Việt Nam từ trước tới nay, GRIPS sẽ thống nhất với VASA về nội dung, giảng viên và cách thức tiến hành để triển khai các lớp bồi dưỡng theo đề nghị của VASA.
Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, đoàn đại biểu VASA cũng có buổi thăm và làm việc tại Trụ sở Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.