Trong bối cảnh số ca mắc COIVD-19 có các bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính đang ngày càng tăng lên tại Việt Nam, tối 12/8, Bộ Y tế đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Trao đổi kinh nghiệm và chính sách điều trị bệnh thận giai đoạn cuối trong bối cảnh COVID-19” với đầu cầu là các chuyên gia tại Mỹ và các bệnh viện đang điều trị COVID-19.
Tại điểm cầu Bộ Y tế có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cùng lãnh đạo, Trưởng Khoa thận của một số bệnh viện tuyến Trung ương tham dự. Hội nghị trực tuyến được kết nối đến Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Alex Azar.
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 gia tăng trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam, các thông kê và bằng chứng khoa học cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, trong đó bệnh thận giai đoạn cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh.
Thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là một thách thức đối với thực hiện dịch vụ chăm sóc thận (lọc máu, lọc màng bụng) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương - nơi tập trung các người bệnh nặng, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy thận. Vậy câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh thận giai đoạn cuối trong tình hình COVID-19?
Trong đợt dịch COVID-19 lần này, Việt Nam đã ghi nhận 38 trường hợp có tiền sử chạy thận nhân tạo nhiều năm, kèm theo các bệnh lý nền và mãn tính, trong đó nhiều ca đang trong tình trạng rất nặng.
Các chuyên gia của hai bên đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị bệnh lý thận cũng như cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh thận giai đoạn cuối trong bối cảnh COVID-19.
Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị trong bối cảnh gia tăng bệnh nhân mắc COVID-19, nguy cơ tử vong cao đối với những người mắc bệnh mãn tính như suy thận, tim mạch, ung thư, đái tháo đường… Việt Nam nên triển khai các phương pháp lọc màng bụng tại gia đình để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Nếu điều kiện cho phép cân nhắc đổi bệnh nhân thận nhân tạo sang lọc màng bụng tự động với chức năng kê toa từ xa. Đây cũng là phương pháp hiệu quả mà Hoa Kỳ đang thực hiện.
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng đã giải đáp một số vấn đề về chính sách, quy định chuyên môn liên quan đến chạy thận, đặc biệt là vấn đề do một số điểm cầu bệnh viện đề cập đến vấn đề chạy thận tại nhà...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê bày tỏ mong muốn những thông tin được chia sẻ, trao đổi tại hội nghị, cũng như thực tiễn triển khai áp dụng tại Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp, cách tiếp cận phù hợp trong cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh thận giai đoạn cuối, đồng thời bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh thận giai đoạn cuối.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gửi lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp đáp ứng rất hiệu quả với đại dịch COVID-19; cho rằng những công việc Việt Nam thực hiện đã trở thành hình mẫu cho khu vực châu Á - Thái bình dương và toàn thế giới.
Theo ông Alex Azar, các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh thận, đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia như Việt Nam, càng ngày càng phổ biến. Bệnh thận vẫn luôn là thách thức cho cả lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng.
"Với mục tiêu là dự phòng suy thận, tăng tỷ lệ lọc màng bụng tại nhà và tăng tỷ lệ ghép thận, nhóm chuyên gia từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sẵn sàng chia sẻ về những chính sách chi trả và công cụ pháp lý hiệu quả chúng tôi áp dụng để đạt được những mục tiêu này", ông Alex Azar nhấn mạnh.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 6 triệu người có các bệnh lý thận mạn, trong đó 80.000 người tiến triển giai đoạn cuối. Bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng.
Để ứng phó với gánh nặng bệnh tật do bệnh thận mãn tính gây ra, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực nhân viên y tế về thận học, tăng cường phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị các chấn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính, triển khai các liệu pháp thay thế thận như ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng.
Đến năm 2009, Việt Nam có khoảng 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ chạy thận nhân tạo cho trên 30.000 trường hợp.
Được triển khai từ năm 2004, đến năm 2009, Việt Nam đã có 45 trung tâm/đơn vị lọc màng bụng trong cả nước, với trên 2000 bệnh nhân được lọc màng bụng.
Kể từ trường hợp đầu tiên được ghép vào năm 1992, đến nay số trường hợp ghép thận tại Việt Nam là 4.441 ca.