Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tiếp thu, giải trình các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên nội dung trả lời chưa sâu, chưa đúng trọng tâm vấn đề cũng như chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri cả nước.
Đó là đánh giá của các đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh), Cao Sĩ Kiêm (Đoàn Thái Bình) về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng 20/11.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Theo đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chưa hiểu hết những nội dung chất vấn của đại biểu. Do đó, phần giải đáp chưa đi sâu và chưa sát với thực tế. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa trả lời trực tiếp vào những nội dung đại biểu bức xúc, thắc mắc mà mới chỉ giải đáp chung chung về các kế hoạch, dự kiện trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác tuyển dụng cán bộ là người dân tộc còn ít, đại biểu Trương Thị Ánh đề nghị Bộ Nội vụ cần sớm đánh giá, tổng kết lại vấn đề này và có chính sách cụ thể để thúc đẩy đội ngũ cán bộ là người dân tộc. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc bố trí cán bộ là người dân tộc thời trong gian quan chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ cần xem xét lại tiêu chuẩn về tuyển dụng cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc.
Về chế độ tiền lương, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay, do đó, Bộ Nội vụ cần có hướng giải quyết trước mắt và lâu dài. Cũng theo đại biểu Kiêm, mấy năm qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức rất thấp nhưng biên chế lại “phình ra”.
Chính phủ đã có những biện pháp để tinh giảm biên chế cũng như hạn chế số lượng biên chế, nhưng qua 5 năm thực hiện lại tăng lên gần 20%. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tiền lương, dù đã tăng vài lần. Muốn giải quyết được vấn này thì cần phải giảm số lượng biên chế xuống.
Nguyễn Cường