Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Nội dung phiên làm việc quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri cả nước theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình , Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có báo cáo trước các đai biểu Quốc hội. Trước khi chất vấn, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc trả lời chất vấn sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm, để làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm trong lĩnh vực quản lý của từng ngành.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII cho thấy tại kỳ họp này, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.007 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội; trong đó nổi lên là: tái cơ cấu nền kinh tế; hoàn thiện chính sách về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn, y tế, giáo dục- đào tạo; quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp...

Đến trước kỳ họp thứ Sáu, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 2.007/2.007 kiến nghị.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, điều hành; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát.... đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết một số vấn đề cụ thể nhiều cử tri kiến nghị.

Báo cáo đánh giá: với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và cơ bản trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri; chất lượng giải quyết từng bước được nâng lên. Cùng với việc giải quyết, trả lời kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ Năm, đã rà soát các kiến nghị tại kỳ họp trước để tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Đồng thời, tổ chức triển khai, thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát trình Quốc hội. Qua đó, nhiều ý kiến nghị cụ thể của cử tri đã được nghiên cứu, tiếp thu vào các dự án luật, các văn bản về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhiều vấn đề bức xúc trong sản xuất, kinh doanh, đời sống.

Tuy nhiên, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết cũng còn nhiều kiến nghị, các cơ quan đã tiếp thu, giải quyết, trả lời những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Việc tổ chức thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát còn chậm. Một số vấn đề tồn tại đã được nêu tại các kỳ họp trước nhưng văn bản trả lời còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị... vẫn chưa được khắc phục. Việc xác định thẩm quyền giải quyết một số kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành này với bộ, ngành khác và với địa phương còn chưa có sự thống nhất; việc phân loại, đánh giá kết quả giải quyết của một số bộ, ngành còn chưa rõ ràng, nên việc theo dõi, giải quyết, trả lời cử tri còn chậm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri. Cùng với tập trung giải quyết các kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ Sáu, cần kiểm tra, rà soát để tiếp tục giải quyết kiến nghị còn lại tại các kỳ họp trước, bảo đảm để các kiến nghị của cử tri được giải quyết đầy đủ, kịp thời, thấu đáo, hiệu quả, thông báo đến cử tri để cử tri theo dõi, giám sát và cần thiết có sự phản hồi về kết quả giải quyết...

Xây dựng và ban hành quy định cụ thể về phối hợp giải quyết kiến nghị của cử tri giữa các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với địa phương, trong đó xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành được giao giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ; trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ về giúp Chính phủ kiểm tra đôn đốc việc giải quyết và trả lời các kiến nghị. Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các kết quả giải quyết được ban hành bằng các cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể để thực sự đi vào cuộc sống. Có chính sách tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; quan tâm tới đánh bắt xa bờ, tín dụng ưu đãi...

Trước mắt rà soát văn bản có liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; lựa chọn những nhiệm vụ quan trọng có tính cấp thiết để tập trung đầu tư, thực hiện dứt điểm và hiệu quả; lồng nghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các tỉnh, thành phố có biên giới biển, đặc biệt là các huyện đảo, xã đảo.../.


Quỳnh Hoa- Khiếu Tư

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Trình Quốc hội 4 dự án Luật
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Trình Quốc hội 4 dự án Luật

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình 4 dự án Luật gồm Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN