Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, bên cạnh việc bầu thành công nhân sự chủ chốt của Thành phố với các chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh... kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh lần này cũng sẽ bàn và quyết định một số chủ trương, chính sách quan trọng như thông qua nghị quyết về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch...
"Chúng ta không để người lao động mất việc làm, nhất là những người buôn gánh bán bưng, kiếm sống hàng ngày trên đường phố. Bởi việc ổn định đời sống người dân, doanh nghiệp duy trì sản xuất, cùng nhau vượt qua khó khăn trong lúc này cực kỳ quan trọng đối với Thành phố", ông Nguyễn Văn Nên nói.
Trước đó, 230.000 người bán vé số, hàng rong, thu gom rác, bốc vác... ở TP Hồ Chí Minh bị mất việc do COVID-19 được UBND Thành phố đề xuất hỗ trợ, với tổng kinh phí khoảng 345 tỷ đồng. Nếu được HĐND Thành phố thông qua trong kỳ họp này, mỗi đối tượng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh lần này có nhiệm vụ quan trọng là bầu các cán bộ chủ chốt của HĐND, UBND và một số cơ quan hành chính, tư pháp của Thành phố.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, với tầm nhìn, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đề ra; sứ mệnh của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X thực sự rất lớn. HĐND phải cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021-2026 với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và cuộc sống của người dân có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Để thực hiện trọng trách này, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND Thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng, đề xuất bổ sung chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những chủ trương, chính sách quan trọng khác của Trung ương.
Việc cụ thể hoá quy định pháp luật và các cơ chế chính sách của Trung ương, cũng như ban hành các cơ chế chính sách của Thành phố có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Thành phố; tiếp tục nghiên cứu những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND trong việc cụ thể hóa 4 chương trình phát triển Thành phố với 51 đề án thành phần mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra. Trong đó, cần ưu tiên triển khai một số đề án quan trọng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục thông minh, y tế thông minh… Tiếp tục bố trí nguồn lực, triển khai có hiệu quả đề án phát triển thành phố Thủ Đức trên nền tảng đô thị thông minh, sáng tạo, kinh tế tri thức, đặc biệt là Đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND, HĐND TP Hồ Chí Minh quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tập trung đổi mới tổ chức hoạt động của HĐND TP Hồ Chí Minh theo hướng phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại. Trước hết là cụ thể hóa Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố, xây dựng mô hình hoạt động của HĐND TP Hồ Chí Minh phù hợp với quy mô, đặc điểm của đô thị loại đặc biệt; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách trong phạm vi quyền hạn được giao.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách và những vấn đề người dân quan tâm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa giám sát của HĐND với kiểm tra giám sát của Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân. "Bài học đắt giá từ lịch sử để lại còn nóng hổi trong công tác giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh đối với việc triển khai tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một minh chứng về sự hạn chế, chưa tròn trách nhiệm trước cử tri, người dân TP Hồ Chí Minh", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhắc lại.
Đối với công tác hành chính, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị TP Hồ Chí Minh đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc chuyển đề, mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm để nhiều cử tri tham gia tiếp xúc. Nghiên cứu thường xuyên tổ chức diễn đàn đối thoại với cử tri, để cử tri các giới, các thành phần tham gia bàn bạc, xây dựng và phát triển thành phố. Trong nhiệm kỳ này, HĐND Thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến thực sự trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thông qua lắng nghe và trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Chia sẻ thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho biết, hơn 3 tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã căng mình chống dịch COVID-19 với quyết tâm kiểm soát, ổn định tình hình. Tuy nhiên, sau 2 tuần đầu tiên, Thành phố mới cơ bản khống chế 2 ổ dịch lớn ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Tuy nhiên, biến chủng virus Delta ít triệu chứng nhưng tốc độ lây lan mạnh, nhiều nơi khác trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng. Trước bối cảnh đó, Thành phố đã nâng cấp độ giãn cách, siết chặt nhiều hoạt động và tăng cường biện pháp phòng chống, triển khai chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Tính đến trưa ngày 24/6, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2.100 bệnh nhân mắc COVID-19, xếp thứ hai cả nước; 10.983 trường hợp đang cách ly tập trung, 26.212 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Trong đó, quận Bình Tân ghi nhận nhiều ca mắc nhất thành phố với 309 ca; tiếp đó là Hóc Môn, Gò Vấp, Quận 12, TP Thủ Đức, Quận 8 với số ca nhiễm lần lượt là 205, 168, 130, 123, 118. Hai nơi ít ca nhiễm nhất là Cần Giờ (2 ca) và Quận 4 (9 ca).
Ngoài ổ dịch lớn nhất tại nhóm truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp với 587 ca nhiễm, TP Hồ Chí Minh đang ghi nhận một số ổ dịch lớn khác gồm: Chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (196 ca); Công ty Kim Minh, phường 13, Quận 5 (100 ca); Hnam Mobile (70 ca); xưởng cơ khí Hóc Môn (70 ca); chung cư Phú Thọ, Quận 11 (48 ca); vựa ve chai Đề Thám, Quận 1 (29 ca); liên quan UBND Quận 7 (28 ca).