Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm năm mới Xuân Đinh Dậu 2017.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Xin ông cho biết kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2016?Năm 2016, kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố đạt 8,05%, hoàn thành kế hoạch năm 2016 và đạt cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, dịch vụ tăng 7,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8% và khu vực nông nghiệp tăng 5,8%.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 53,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,7%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,8%. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để thành phố phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu GRDP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đạt từ 8 - 8,5%.
Bên cạnh đó, việc quản lý chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp nước sạch cho nhân dân được quan tâm thực hiện; các công trình, dự án cấp bách giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước do mưa và triều cường, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục được triển khai. Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được tăng cường.
Chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải bệnh viện được cải thiện; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao; các nguồn lực xã hội được huy động hiệu quả nhằm thực hiện tốt việc chăm lo cho các đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Các hoạt động đối ngoại cũng được triển khai có hiệu quả, toàn diện.
Mặc dù vậy, có thể thấy thành phố vẫn đang phải đối mặt những thách thức như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước… Đây là những vấn đề cấp bách, gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng chất lượng đời sống của người dân. Thành phố sẽ giải quyết các vấn đề này như thế nào thưa ông? Đúng là thực tế hiện nay, đi cùng với sự phát triển, thành phố còn nhiều vấn đề tồn tại gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Do đó, trong 7 chương trình đột phá của Đại hội X Đảng bộ thành phố đề ra, đã có đến 4 chương trình liên quan đề cập việc giải quyết cụ thể, căn cơ những vấn đề này.
Đó là, chương trình giảm ùn tắc giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện các Chương trình hành động trên với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất.
Thành phố tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, thực hiện các giải pháp toàn diện phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với các tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị cũng như các vấn đề hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện…
Đối với Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư xây dựng các đường vành đai, đường trên cao, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh; phát triển nhanh và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Với Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố sẽ tập trung nguồn lực triển khai nhanh các công trình trọng điểm, cấp bách, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước, không để phát sinh điểm ngập mới, giảm thiểu tác hại của tình trạng ngập nước đô thị do biến đổi khí hậu.
Riêng Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: đổi mới tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Thành phố sẽ thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế, cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân.
Còn với Chương trình về chỉnh trang và phát triển đô thị, thành phố triển khai các giải pháp đột phá để di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch với chỉ tiêu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn. Bên cạnh đó hình thành các khu dân cư mới khang trang hơn, tiện nghi hơn phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.
Năm 2017 thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP sẽ đạt từ 8,4 - 8,7%, trong điều kiện chỉ tiêu nộp ngân sách tăng, nguồn vốn ngân sách để lại cho thành phố giảm. Vậy đâu là cơ sở để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu này, thưa ông? Qua phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua và đặc biệt là kết quả đạt được năm 2016, lãnh đạo thành phố mạnh dạn đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng GRDP năm 2017 đạt từ 8,4 - 8,7%. Thành phố xác định rõ một số cơ sở quan trọng như: Hiện nay tăng trưởng của thành phố vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, nghĩa là vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã xác định mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu.
Với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm về nhiều mặt của cả nước, thành phố vẫn còn nhiều lợi thế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động xã hội, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả công tác quản lý, quản trị. Tiềm năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ của thành phố còn khá lớn.
Thời gian vừa qua phong trào xây dựng thành phố khởi nghiệp được tập trung đẩy mạnh với nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ: hỗ trợ xây dựng thương hiệu mạnh; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tạo môi trường thuận lợi.