“Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã cố gắng đánh giá sát tình hình này, dựa trên các căn cứ: Bám sát một số nội dung từ ý kiến, cảm nhận đánh giá người dân về công cuộc chống tham nhũng của đất nước (qua các phương tiện thông tin đại chúng); chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng - PACA có tăng lên; đánh giá của các tổ chức quốc tế; ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, ông Lê Minh Khái nói.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái thừa nhận, tình trạng cán bộ Nhà nước còn gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên thuộc về sự quản lý trực tiếp của người đứng đầu cơ quan; lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân mà cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì thường xảy ra tham nhũng.
Để khắc phục tình trạng trên, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng ban hành Chỉ thị về chống phiền hà, gây nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị trên. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra Công điện về phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vưc công vụ. Theo ông Lê Minh Khái, hai văn bản trên có ý nghĩa rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu.