Tổng hợp COVID-19 tuần từ 26/7-1/8: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine trong cộng đồng, mở rộng ‘vùng xanh’

Trong tuần qua (từ ngày 26/7-1/8), dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan rộng trong cộng đồng; đặc biệt ngoài TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm tại Bình Dương và Đồng Nai có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có công điện chỉ đạo nâng cao cảnh giác, siết chặt công tác phòng chống dịch; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày ở các tỉnh, thành phía Nam. Bên cạnh đó, tiêm vaccine trong cộng đồng cũng được Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, trong đó ưu tiên chuyển vaccine cho TP Hồ Chí Minh để mau chóng giảm số ca F0 trong thời gian sớm nhất.

Thêm 4.423 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 1/8, Việt Nam có thêm 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, tổng số ca mắc mới trong ngày cũng ghi nhận 8.620 ca, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước.

Chú thích ảnh
Cách ly người có nguy cơ để phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Như vậy, số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 150.474, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Ngoài ra, tổng số liều vaccin đã được tiêm đến nay là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.

Các tỉnh, thành phố phía Nam dồn lực khống chế dịch COVID-19

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch trên cả nước đã có nhiều dấu hiệu tích cực, song đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Với mục tiêu ưu tiên cao nhất cho công tác ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, các địa phương đang tiếp tục nỗ lực cao độ thực hiện quyết liệt các giải pháp khống chế dịch.

Chú thích ảnh
Các chốt kiểm soát ở TP Hồ Chí Minh được thiết lập từ 18 giờ ngày 26/7/2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Theo đó ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX.

Tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở rộng vào chiều tối 31/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh: Trong 7 ngày qua, Thành phố đi đúng hướng, có kết quả bước đầu, vì vậy cần tiếp tục phát huy, mở rộng “vùng xanh”, tập trung nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sẽ hoàn thành và chiến thắng cuộc chiến chống dịch COVID-19. TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung triệt để việc giãn cách xã hội, phát huy vai trò nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư.

Kể từ 0 giờ ngày 2/8, TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày theo Công văn 2556/UBND-VX. UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp tiếp tục tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiệm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ về đời sống, y tế để người dân thành phố an tâm “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành khác đưa về quê theo nhu cầu.  

Còn tại tỉnh Bình Dương, tính đến sáng 1/8, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh đã lên đến 16.094 ca. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, do đặc thù của Bình Dương là mật độ dân cư đông, có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành, lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn nên nguy cơ dịch lây nhiễm và bùng phát mạnh. Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp "trực chiến" cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 không" (không nói thiếu kinh phí, không nói thiếu nhân lực, không nói thiếu cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch).

Tỉnh chỉ đạo siết chặt, quản lý đối với các địa phương đang có ổ dịch bùng phát, các khu vực phong tỏa có nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bình Dương cũng tiếp tục thực hiện thần tốc hơn nữa đối với công tác xét nghiệm sàng lọc diện rộng; trả kết quả nhanh để sớm phát hiện, tách các trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng. Tỉnh đầu tư thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường, bổ sung khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và nâng lên 20.000 giường.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu  

Một trong những khó khăn lớn trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực phía Nam là việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai nhanh chóng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong phạm vi cho phép liên quan đến cung ứng hàng hóa, thực phẩm.

Chú thích ảnh
Cầu Phú Cường giáp ranh giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh không có ai tham gia giao thông sau 18 giờ tối ngày 28/7. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 27/239 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở vùng ven ngoại thành, các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, do việc tăng cường thực hiện giãn cách, các siêu thị chỉ mở cửa từ 6 giờ đến 17 giờ hằng ngày, một số địa bàn dân cư đông, điểm bán ít có tình trạng cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.

Trước tình hình này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại, sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận. Bên cạnh đó, Sở tổ chức điểm bán hàng lưu động tại một số nơi thực sự khó khăn về cung ứng hàng hóa để người dân yên tâm thực hiện nghiêm, triệt để việc giãn cách xã hội.  

Tương tự, theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang, bên cạnh hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức các điểm bán hàng lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian các chợ truyền thống đóng cửa, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại một số xã thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Tân Phước.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Xác định việc tiêm chủng vaccine cho người dân để đạt tới miễn dịch cộng đồng là biện pháp căn cơ phòng chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, các địa phương cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tính đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước đạt khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước. 

Chú thích ảnh
Thực hiện tiêm vaccine tại điểm trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (phường Tân An, quận Ninh Kiều, Cần Thơ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Trong tháng 8 này, Thành phố dự kiến nhận được 5 triệu liều vaccine nữa. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác hỗ trợ công tác tiêm chủng tại thành phố. Thành phố tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và lưu động như đến tận nơi làm việc, sinh sống của người dân để thực hiện tiêm chủng trong điều kiện Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên triển khai hoạt động này từ ngày 1/8.

Còn với tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine cho người dân trên địa bàn. Theo đó tỉnh tổ chức các điểm tiêm chủng cố định với khoảng trên 280 bàn tiêm. Ngoài ra, tỉnh thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để tiêm vaccine phòng COVID-19  cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan đơn vị, các thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội là liều 'vaccine' kịp thời nhất

Chú thích ảnh
Hướng dẫn người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại chợ Gia Lâm, quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh và đã xuất hiện tại 62 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm cố gắng kiểm soát sớm tình hình. Trong đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Đây là nhiệm vụ then chốt, có yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, nhằm 3 mục tiêu chính: Ngăn dịch bệnh từ TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tạo luồng lưu thông hàng hóa thông suốt, an toàn trong vùng; mục tiêu lớn nhất nhằm tạo "vùng hậu phương" an toàn, vững chắc để hỗ trợ, chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Chỉ thị 16 phải được triển khai chặt chẽ, nghiêm ngặt trên phạm vi quy mô nhỏ nhất có thể (cách ly người với người, nhà với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…); tuyệt đối tránh tình trạng "chỉ chăng dây, gác hai đầu", còn người dân bên trong đi lại tự do.

Đây cũng là khoảng thời gian "vàng" để các địa phương siết lại các khâu, tăng tốc làm sạch các vùng dịch, ổ dịch trong tuần đầu thực hiện giãn cách, phát hiện tối đa các ổ dịch trên địa bàn, dứt khoát không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn, vững chắc, nhanh nhất có thể. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy". Các địa phương tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: "Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội là liều "vaccine" phòng COVID-19 kịp thời nhất".

Tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K kể cả đã tiêm 2 mũi vaccine

Cùng với những nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm và ưu tiên cho "chiến lược vaccine phòng COVID-19" nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 16,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, gồm các loại: AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Tính đến ngày 31/7, tổng số gần 6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi với khoảng 5,3 triệu liều, tiêm mũi 2 khoảng 589 nghìn liều. 

Chú thích ảnh
Xe tiêm chủng lưu động của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức đến các khu cách ly tiêm chủng vaccine cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: TTXVN phát

Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến nay. Theo dự kiến phân bổ vaccine năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ nhận khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm. Riêng trong tháng 8, dự kiến thành phố sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này. Đến nay TP Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, trong đó 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều, gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Những tín hiệu lạc quan của "chiến lược vaccine" - giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch COVID-19 góp phần tiến tới mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới để tiêm cho hơn 70 triệu người dân cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận nhưng không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100% mà vẫn có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm. Sau khi tiêm mũi 1, ít nhất phải 14 ngày sau, hiệu quả phòng COVID-19 mới bước đầu có tác dụng với mức bảo vệ ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2, từ 1 tháng trở ra, vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhưng cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90%, tùy theo loại vaccine.

"Điều này có nghĩa, khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác", bác sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm,Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 31/7: Siết chặt giãn cách xã hội, không để dân rời khỏi cư trú từ ngày 1/8
Tổng hợp COVID-19 ngày 31/7: Siết chặt giãn cách xã hội, không để dân rời khỏi cư trú từ ngày 1/8

Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới; đáng chú ý, Bình Dương có số ca mắc tăng nhanh, đứng sau TP Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp, Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước siết chặt giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn và phòng ngừa lây lan dịch bệnh triệt để; đồng thời yêu cầu các địa phương không để dân rời khỏi nơi cư trú sau ngày 31/7 đến khi hết giãn cách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN