Các tỉnh, thành phố phía Nam dồn lực khống chế dịch COVID-19

Đến thời điểm này, dù đã có nhiều dấu hiệu tích cực, song đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Với mục tiêu ưu tiên cao nhất cho công tác ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, các địa phương đang tiếp tục nỗ lực cao độ thực hiện quyết liệt các giải pháp khống chế dịch.

Chú thích ảnh
Các chốt kiểm soát ở TP Hồ Chí Minh được thiết lập từ 18 giờ ngày 26/7/2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021) đổi với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX.

Tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở rộng vào chiều tối 31/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh: Trong 7 ngày qua, thành phố đi đúng hướng, có kết quả bước đầu, vì vậy cần tiếp tục phát huy, mở rộng “vùng xanh”, tập trung nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sẽ hoàn thành và chiến thắng cuộc chiến chống dịch COVID-19. TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung triệt để việc giãn cách xã hội, phát huy vai trò nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư.

Ngày 1/8, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn 2556/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày nữa, kể từ 0 giờ ngày 2/8 để phòng, chống dịch COVID- 19. UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp tiếp tục tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiệm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ về đời sống, y tế để người dân thành phố an tâm “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành khác đưa về quê theo nhu cầu.  

Còn tại tỉnh Bình Dương, tính đến sáng 1/8, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh đã lên đến 16.094 ca. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, do đặc thù của Bình Dương là mật độ dân cư đông, có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành, lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn nên nguy cơ dịch lây nhiễm và bùng phát mạnh. Bình Dương đã và đang thực hiện các giải pháp "trực chiến" cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 không" (không nói thiếu kinh phí, không nói thiếu nhân lực, không nói thiếu cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch).

Tỉnh chỉ đạo siết chặt, quản lý đối với các địa phương đang có ổ dịch bùng phát, các khu vực phong tỏa có nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bình Dương cũng tiếp tục thực hiện thần tốc hơn nữa đối với công tác xét nghiệm sàng lọc diện rộng; trả kết quả nhanh để sớm phát hiện, tách các trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng. Tỉnh đầu tư thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường, bổ sung khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và nâng lên 20.000 giường.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu  

Một trong những khó khăn lớn trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực phía Nam là việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai nhanh chóng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong phạm vi cho phép liên quan đến cung ứng hàng hóa, thực phẩm.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 27/239 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở vùng ven ngoại thành, các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, do việc tăng cường thực hiện giãn cách, các siêu thị chỉ mở cửa từ 6 giờ đến 17 giờ hằng ngày, một số địa bàn dân cư đông, điểm bán ít có tình trạng cung ứng hàng hóa gặp khó khăn. Trước tình hình này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại, sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận. Bên cạnh đó, Sở tổ chức điểm bán hàng lưu động tại một số nơi thực sự khó khăn về cung ứng hàng hóa để người dân yên tâm thực hiện nghiêm, triệt để việc giãn cách xã hội.  

Tương tự, theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang, bên cạnh hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức các điểm bán hàng lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian các chợ truyền thống đóng cửa, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại một số xã thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Tân Phước.

Chú thích ảnh
Cầu Phú Cường giáp ranh giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh không có ai tham gia giao thông sau 18 giờ tối ngày 28/7. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN

Còn ở Bình Dương, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của siêu thị luôn ở mức khoảng 685,5 tỷ đồng đối với 11 siêu thị tham gia phục vụ; đảm bảo nguồn cung với khoảng 7.500 tấn thịt lợn/tháng, 3.750 tấn thịt gia cầm/tháng và khoảng 40 triệu quả trứng gia cầm/tháng; thực hiện bình ổn thị trường rau, củ, quả các loại từ việc kết nối cung cầu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cũng trong những ngày này, quan tâm chăm lo đời sống người dân, tại các địa phương, nhiều hoạt động hỗ trợ những trường hợp khó khăn đã được các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện. Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương phía Nam, nhiều số điện thoại đường dây nóng đã được thiết lập, kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn liên quan đến đời sống dân sinh. Các chương trình ”Chợ nghĩa tình”, điểm bán hàng “Siêu thị 0 đồng”  vẫn đang diễn ra nhằm đưa lương thực, thực phẩm đến tay người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được kịp thời, thiết thực.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Xác định việc tiêm chủng vaccine cho người dân để đạt tới miễn dịch cộng đồng là biện pháp căn cơ phòng chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, các địa phương cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tính đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước đạt khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước. Trong tháng 8 này, thành phố dự kiến nhận được 5 triệu liều nữa. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác hỗ trợ công tác tiêm chủng tại thành phố. Thành phố tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, kể cả các khu vực đang phong tỏa.

Còn với tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine cho người dân trên địa bàn. Theo đó tỉnh tổ chức các điểm tiêm chủng cố định với khoảng trên 280 bàn tiêm. Ngoài ra, tỉnh thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để tiêm vaccine phòng COVID-19  cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan đơn vị, các thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Thực hiện tiêm vaccine tại điểm trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (phường Tân An, quận Ninh Kiều, Cần Thơ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Tại Cần Thơ-thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, UBND thành phố đã có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn  trong năm 2021-2022. Theo đó thành phố đặt mục tiêu đảm bảo tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021; trên 70% dân số trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết quý I/2022. Từ ngày 31/7, Cần Thơ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4 của năm 2021 với 84.290 liều vaccine, dự kiến đợt tiêm chủng này kéo dài trong 8-10 ngày.

Có thể nói, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn rất nhiều cam go, song với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cả hệ thống chính trị vào cuộc, các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch tiếp tục được các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, người dân đồng lòng, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chắc chắn dịch COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi.

Thanh Trà (TTXVN)
Các địa phương tiếp tục cử đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch
Các địa phương tiếp tục cử đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch

Ngày 29/7, Đoàn cán bộ y tế của tỉnh Hà Giang gồm 42 bác sĩ điều dưỡng, kỹ thuật viên, y sĩ đa khoa đã lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Các thành viên của đoàn đều được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN