Ngày 3/11, Việt Nam ghi nhận 6.192 ca nhiễm SARS-CoV-2, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Nam gia tăng ca mắc mới.
Tính từ 16 giờ ngày 2/11 đến 16 giờ ngày 3/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.192 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Quảng Nam gia tăng ca nhiễm.
Trong số các ca nhiễm mới, có 17 ca nhập cảnh và 6.175 ca ghi nhận trong nước (tăng 562 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 2.766 ca trong cộng đồng).
Ngày 3/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Thuận đăng ký bổ sung 914 ca về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly, lấy mẫu từ các ngày trước tại Ninh Thuận trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (985 ca), Đồng Nai (905 ca), Bình Dương (773 ca), Kiên Giang (374 ca), An Giang (312 ca), Bạc Liêu (290 ca), Tây Ninh (272 ca), Tiền Giang (207 ca), Sóc Trăng (193 ca), Cần Thơ (152 ca), Bình Thuận (136 ca), Long An (119 ca), Hà Giang (118 ca), Đắk Lắk (98 ca), Đồng Tháp (97 ca), Ninh Thuận (95 ca), Quảng Nam (90 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (82 ca), Hà Nội (76 ca), Bình Phước (70 ca), Vĩnh Long (67 ca), Bến Tre (52 ca), Bình Định (50 ca), Phú Thọ (50 ca), Bắc Ninh (48 ca), Gia Lai (45 ca), Hậu Giang (40 ca), Trà Vinh (36 ca), Thừa Thiên Huế (35 ca), Bắc Giang (32 ca), Thanh Hóa (29 ca), Quảng Ngãi (29 ca), Khánh Hòa (27 ca), Điện Biên (25 ca), Nghệ An (20 ca), Lâm Đồng (18 ca), Hà Nam (11 ca), Quảng Trị (11 ca), Hải Dương (11 ca), Đắk Nông (10 ca), Phú Yên (10 ca), Ninh Bình (9 ca), Nam Định (9 ca), Kon Tum (9 ca), Quảng Bình (8 ca), Sơn La (8 ca), Hải Phòng (6 ca), Lạng Sơn (5 ca), Thái Bình (5 ca), Quảng Ninh (4 ca), Đà Nẵng (4 ca), Lào Cai (2 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca), Thái Nguyên (1 ca), Hòa Bình (1 ca), Bắc Kạn (1 ca), Hưng Yên (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (giảm 67), Cà Mau (giảm 62), Kiên Giang (giảm 47).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (tăng 303), Tây Ninh (tăng 141), Quảng Nam (tăng 79).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.413 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 939.463 ca nhiễm SARS-CoV-2, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.528 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 934.583 ca, trong đó có 830.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (434.736 ca), Bình Dương (235.293 ca), Đồng Nai (68.199 ca), Long An (35.182 ca), Tiền Giang (17.216 ca).
TP Hồ Chí Minh: Trên 27.000 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà, số ca nhập viện gia tăng
Ngày 3/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh biết, số ca F0 nhập viện và cách ly điều trị tại nhà đều tăng so với những ngày trước đó.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, nếu như trong ngày 31/10, số ca nhập viện ở tầng 2 và 3 chỉ có 624 trường hợp, nhưng đến ngày 2/11, số ca F0 nhập viện đã tăng lên đến 1.025 người. Điều đáng lưu ý, số F0 xuất viện trong những ngày gần đây đều thấp hơn số F0 nhập viện.
Bên cạnh số ca F0 nhập viện tăng, số ca F0 được cách ly và điều trị tại nhà cũng gia tăng. Theo đó, nếu như ngày 1/11, TP Hồ Chí Minh có 24.030 trường hợp F0 cách ly tại nhà thì đến ngày 3/11 đã tăng lên 27.381 người.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, thành phố vẫn đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh, nghĩa là cấp độ nguy cơ trung bình. Tuy nhiên mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đều có từ 1.000 - 1.400 ca mắc mới, do đó ngành y tế khuyến cáo người dân luôn cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm để tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ngày 3/11, Hà Nội ghi nhận 67 ca F0 tại 16 quận, huyện; trong đó tiếp tục có 3 ca từ ổ dịch chợ Ninh Hiệp
Ngày 3/11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận tổng số 67 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (16 ca), khu cách ly (37 ca), khu phong tỏa (14 ca).
Các ca mắc mới COVID-19 phân bố theo quận, huyện bao gồm: Mê Linh (28 ca), Hoàng Mai (9 ca), Hà Đông (5 ca), Sóc Sơn (3 ca), Bắc Từ Liêm (3 ca), Ứng Hòa (3 ca), Quốc Oai (2 ca), Phú Xuyên (2 ca), Gia Lâm (2 ca), Nam Từ Liêm (2 ca), Ba Đình (2 ca), Long Biên (2 ca), Cầu Giấy (1 ca), Thanh Oai (1 ca), Mỹ Đức (1 ca), Đống Đa (1 ca).
Trong đó, 16 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng thuộc 4 chùm ca bệnh gồm: Chùm sàng lọc ho sốt (6 ca bệnh), chùm liên quan các tỉnh có dịch (5 ca bệnh), chùm ho sốt thứ phát (2 ca bệnh) và chùm ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3 ca bệnh).
Nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện ca mắc mới.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Quyết định số 3842/QĐ-UBND về việc tạm thời nâng cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn hai xã Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều, lên cấp độ 2 (tương ứng với màu vàng), thời gian áp dụng từ 14 giờ ngày 3/11.
Theo đó, ngày 3/11, trên địa bàn thị xã Đông Triều ghi nhận 3 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại địa phương này lên 6 ca. Ba ca mắc mới gồm: V.V.T (thôn Lâm Xá 1, xã Hồng Thái Tây), hàng xóm của 2 ca F0 đã phát hiện ngày 2/11 và hai vợ chồng là H.T.H, N.V.T (trú thôn Tân Lập, xã Hồng Thái Đông).
Trước đó, trong ngày 2/11, trên địa bàn thị xã Đông Triều ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 gồm 2 vợ chồng là M.V.N và Đ.T.T (ở thôn Lâm Xá 1, xã Hồng Thái Tây) và L.T.T (ở khu Tràng Bạch, phường Hoàng Quế).
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nhằm đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND thị xã Đông Triều phong tỏa tạm thời thôn Lâm Xá 1, xã Hồng Thái Tây và thôn Tân Lập, xã Hồng Thái Đông, từ 0 giờ ngày 3/11.
Thị xã Đông Triều tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn 3 xã, phường là Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây và Hoàng Quế. Cụ thể, thị xã tạm dừng tất cả các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn, chợ dân sinh; tạm dừng việc dạy học tập trung và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến...
Đối với doanh nghiệp, thị xã yêu cầu thực hiện nghiêm việc sản xuất kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ).
Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình ngày 3/11, tỉnh ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là người đàn ông tên B.V.L (sinh năm 1982). Người này sinh sống và làm việc tại Thuận An (Bình Dương) nhiều năm nay, về tỉnh Ninh Bình ngày 31/10.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sáng 3/11, Trung tâm ghi nhận 15 trường hợp tiếp xúc gần với B.V.L tại Ninh Bình, là những người ăn cùng bàn và chủ một homestay trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Bên cạnh đó, nhà hàng buffet hải sản Quang Dũng - nơi B.V.L đến sử dụng dịch vụ đã thống kê hơn 30 người là quản lý, nhân viên tiếp xúc gần.
Nhận định dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, ngành Y tế Ninh Bình đang phối hợp với các cấp chính quyền và ngành chức năng khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan đến lịch trình di chuyển của B.V.L. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu tất cả những người có mặt tại nhà hàng buffet hải sản Quang Dũng, địa chỉ tại phố 4, Ngô Quyền, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút ngày 31/10, phải tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ và tư vấn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, sau khi xuất hiện hàng chục ca F0 trong cộng đồng, tối 2/11, UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã; các xã, phường, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn về việc tạm dừng các hoạt động không thực sự thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, từ 00 giờ, ngày 3/11 thị xã Nghi Sơn sẽ tạm dừng các hoạt động gồm: Quán bar, các cơ sở kinh doanh karaoke, xông hơi, massage, spa, chăm sóc sắc đẹp, phòng tập gym, yoga, bi-a, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet, các hoạt động thể thao ngoài trời (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis…) cho đến khi có thông báo mới.
Các lễ hội, sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và không quá 20 người đối với các xã, phường đang có các ca F0.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ phục vụ suất ăn sẵn đem về nhà hoặc cho khách đường dài ăn uống trên phương tiện giao thông của mình; các địa bàn khác phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, của tỉnh Thanh Hoá và của thị xã Nghi Sơn.
Cũng từ 0 giờ ngày 3/11 học sinh cả 3 cấp học trên địa bàn 7 xã, phường có các ca F0 gồm: Các Sơn, Thanh Sơn, Trường Lâm, Hải Nhân, Định Hải, Ninh Hải và Hải Hoà sẽ tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh Điện Biên cũng đã khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng khi trong 2 ngày 1 và 2/11, Điện Biên ghi nhận 15 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có một ca ở thôn 2, xã Pom Lót, huyện Điện Biên; 14 ca còn lại ở xã Na Tông, trong đó có tới 12 người ở bản Gia Phú A (nơi ghi nhận ca mắc COVID-19 vào ngày 1/11) và hai người ở bản Huổi Chanh.
Về yếu tố dịch tễ, các bệnh nhân ở xã Na Tông đều có mối liên quan với bệnh nhân BN927513 được ghi nhận vào ngày 1/11 do cùng bản hoặc có tiếp xúc gần. Riêng trường hợp ở xã Pom Lót có yếu tố dịch tễ chưa rõ ràng, hiện cơ quan chức năng vẫn đang xác minh tìm mối liên quan với các ca bệnh tại xã Na Tông. Hiện tại 14 bệnh nhân đang được điều trị tại Khu thu dung điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19 tại khoa Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên.
Riêng đối với trường hợp chưa xác định rõ nguồn lây ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên, Sở Y tế tỉnh đã tăng cường trên 50 cán bộ, y bác sĩ xuống địa bàn cùng với các cơ quan chức năng của huyện và xã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: Khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại các thôn, bản trên địa bàn xã Pom Lót. Trong đó, ưu tiên xét nghiệm tại thôn bản có nguy cơ cao, gồm: Thôn 2, thôn 5, thôn 7, Trường Trung học Cơ sở Pom Lót và Trường Trung học Phổ thông huyện Điện Biên.
Tại Bến Tre, những ngày gần đây, Bến Tre ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 xuất hiện tại các ổ dịch trong cộng đồng. Trước tình hình này, có 14/157 xã, phường trên địa bàn tỉnh đang áp dụng cấp độ 3,4 để phòng, chống dịch đạt kết quả tốt hơn.
Cụ thể, trong 3 ngày gần đây tại Bến Tre liên tục có các ca mắc trong cộng đồng, như: ngày 31/10 có 51/54 ca, ngày 1/11 là 34/37 ca, ngày 2/11 là 42/47 ca. Riêng từ 18 giờ ngày 2/11 đến 6 giờ ngày 3/11, địa phương ghi nhận thêm 35 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng và 10 ca trong khu cách ly, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh đến nay lên 2.536 ca. Trong đó, có 2.074 bệnh nhân đã được xuất viện và 52 trường hợp tử vong.
Theo phân tích của ngành chuyên môn, số ca mắc theo tuần đang tăng, với trên 150 ca/tuần. Ca bệnh ghi nhận chủ yếu tại cộng đồng được phát hiện qua sàng lọc test nhanh. Số ca mắc tăng tại các huyện, thành phố đặc biệt là ở huyện Bình Đại, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri và thành phố Bến Tre, do có liên quan đến các ổ dịch mới ghi nhận. Cụ thể, chuỗi ca mắc liên quan đám tang tại xã Bình Thới (huyện Bình Đại) có 84 ca; ổ dịch ở Điện Máy xanh Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) là 39 ca; chuỗi giao hàng tiết kiệm (thành phố Bến Tre) phát hiện 10 ca và một công ty may mặc (huyện Châu Thành) 3 ca.
Ưu tiên tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có văn bản gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, cho biết trong thời gian tới, vaccine phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được cung ứng.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cho người từ 50 tuổi trở lên.
Các Sở Y tế cần chủ động rà soát tình hình sử dụng, số vaccine còn tồn báo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để kịp thời điều phối, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tuyệt đối không hủy bỏ vaccine phòng COVID-19.
Đồng thời, các địa phương cần lưu ý, vaccine phòng COVID-19 có hạn sử dụng ngắn; với vaccine Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 109 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau. Theo thống kê thực đến 15 giờ ngày 3/11, cả nước đã tiêm 84.215.474 liều, trong đó ngày 2/11 tiêm được 961.071 liều.
Đến nay, các địa phương tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương.
9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ hai mũi vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là: Long An, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Bắc Ninh.
App PC-COVID cập nhật tính năng quét được mã QR code cá nhân của ứng dụng khác
Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia, app PC-COVID bổ sung khả năng quét mã QR code cá nhân phổ biến của các app: Ứng dụng VNeID, Căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết: Đây là những mã QR code cá nhân đã được thống nhất theo tiêu chuẩn. Bổ sung tính năng mới được nhận định sẽ giúp việc quét mã để kiểm soát ra vào tại các địa điểm công cộng được thuận tiện hơn hoăc đi liên thông giữa các tỉnh, thành do đang còn nhiều quy định khác nhau.
Theo đó, chủ cửa hàng, địa điểm công cộng có thể sử dụng duy nhất ứng dụng PC-COVID để quét mã của khách. Trong khi đó, người ra vào địa điểm công cộng có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào như PC-COVID, thẻ bảo hiểm, hay đưa căn cước công dân (CCCD) để chủ địa điểm quét. Người dùng có thể chủ động đưa mã QR của mình để chủ địa điểm quét. Nếu không có điện thoại, người dân có thể in mã QR ra giấy, hoặc dùng QR trên Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm.
Việc quét mã QR code tại các địa điểm công cộng hiện là yêu cầu bắt buộc để giúp truy vết các cơ nghi nhiễm có hiệu quả theo trạng thái bình thường mới.